Thi giáo viên dạy giỏi: Làm thế nào để phát huy hiệu quả?

08:02, 18/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề thi giáo viên dạy giỏi (GVDG), vì trên thực tế ở một số nơi việc thi GVDG mang nặng tính hình thức, bệnh thành tích. Có ý kiến cho rằng nên bỏ thi GVDG. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên đánh giá lại cách thức  tổ chức thi GVDG, để phát huy hiệu quả của kỳ thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

 Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).
Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).


 

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu: “Quan trọng là cách thức tổ chức thi phải thực chất”

Thi GVDG là một hoạt động chuyên môn thường xuyên của ngành trong nhiều năm qua. Chúng ta không thể phủ nhận toàn bộ hiệu quả của hoạt động này, vì nó vẫn có những mặt tích cực đáng ghi nhận. Qua hội thi sẽ chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời, có tổ chức hội thi mới tạo nên khí thế thi đua trong toàn ngành. Giáo viên ngoài việc tự trau dồi kỹ năng sư phạm, trang bị kiến thức chuyên môn thì hội thi sẽ là cơ hội để giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tiếp cận những phương pháp giảng dạy mới. Qua đó, mỗi giáo viên sẽ soi rọi lại trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình để phấn đấu, rèn luyện tốt hơn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như đã nêu, thì cần phải tổ chức hội thi một cách khoa học, bài bản, công bằng, đánh giá chính xác năng lực thật sự của giáo viên tham gia hội thi, tránh việc lên lớp của giáo viên chỉ để “diễn” mà phải dạy thật sự, đảm bảo các nguyên tắc, phương pháp của một tiết dạy. Muốn làm được điều này, ngành phải có sửa đổi quy chế thi cho phù hợp, đặc biệt là cách chấm thi giờ dạy trên lớp, để điểm chấm phản ánh đúng thực tế năng lực của giáo viên.

 

Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề-Giáo dục thường xuyên&Hướng nghiệp tỉnh, Thạc sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Trà: “Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết"

Đối với ngành nghề có chuyên môn đặc thù như giáo dục thì cần có giải pháp để đánh giá đội ngũ giáo viên và công nhận danh hiệu cho họ. Bên cạnh việc đánh giá giáo viên theo các chuẩn mực đã quy định (phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn), thì việc đánh giá kỹ năng sư phạm của giáo viên khi lên lớp, mức độ truyền thụ, dẫn dắt học sinh chiếm lĩnh tri thức qua từng tiết dạy là hết sức cần thiết. Điều này chỉ có thể đánh giá qua tiết dạy trên lớp của giáo viên mới xác định được. Vì vậy, thi GVDG  là cần thiết.

Tuy nhiên, việc  tổ chức thi tránh gây áp lực cho giáo viên. Không nên chỉ dự giờ đánh giá giáo viên qua một hai tiết dạy được chuẩn bị sẵn để đánh giá năng lực giáo viên mà cần phải đánh giá giáo viên qua những tiết dạy “không báo trước” kết hợp với việc sử dụng công cụ thăm dò ý kiến từ đồng nghiệp, học sinh để đánh giá chất lượng lên lớp của giáo viên. Làm được như vậy mới đánh giá được cả quá trình giảng dạy của giáo viên và việc công nhận GVDG mới xác thực và công bằng, không tiêu cực.

 

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Nguyễn Hữu Duy: “Nên duy trì thi GVDG để tạo động lực cho giáo viên"

Trong những năm gần đây, Tây Trà có nhiều đổi mới trong hội thi GVDG  cấp huyện. Hội thi được tổ chức tại trường, giáo viên chỉ được biết giờ dạy trước một buổi và không được gặp lớp, giám khảo cũng không biết mình chấm ai. Hội thi được tổ chức rất nghiêm túc, từ khâu ra đề, tổ chức thi viết, thi thực hành... Qua đó, phản ánh đúng thực tế năng lực giáo viên tại cơ sở. Nếu làm đúng tinh thần và tính chất cuộc thi thì nên duy trì, để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu trong nghề nghiệp.

Để công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” đòi hỏi phải có sự kết hợp việc đánh giá trong cả quá trình giảng dạy của giáo viên. Muốn vậy phải xây dựng quy chế đánh giá chặt chẽ, khách quan. Bên cạnh đó, các trường cũng cần căn cứ vào chất lượng học sinh, để đánh giá năng lực giáo viên.

 

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Đinh Duy Quang: “Kết quả của giáo viên sẽ được hội đồng xét chọn từ kết quả của việc thẩm định hồ sơ và kết quả tiết dạy trên lớp”

Cần thay đổi tiêu chí đánh giá GVDG cho phù hợp với thực tiễn giảng dạy, tránh trường hợp chỉ trong một vài tiết dạy mà đánh giá kết quả của cả quá trình công tác trong suốt 4 năm liền. Để công nhận một giáo viên đạt tiêu chuẩn GVDG, thì ngoài việc thay đổi tiêu chí, cần dựa trên kết quả xét chọn từ cơ sở qua hồ sơ chuyên môn. Đánh giá năng lực của giáo viên qua tiết dạy kết hợp với những kết quả thể hiện trên hồ sơ chuyên môn, chất lượng giáo dục của giáo viên. Sau khi thẩm định tất cả các hồ sơ liên quan đủ điều kiện sẽ tiến hành dự giờ một số tiết dạy, để đánh giá kỹ năng lên lớp và xử lý tình huống sư phạm của giáo viên. Làm được như vậy, hội đồng mới đánh giá đúng, thực chất năng lực của cả quá trình mà giáo viên công tác và kết quả đó mới xứng đáng công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”.

Cô giáo Bùi Thị Bích Hợp, dạy môn Vật lý, Trường THPT Trần Quốc Tuấn: “Thi giáo viên “tạo áp lực” có ích”

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã giảm tải việc tổ chức các hội thi dành cho giáo viên. Đối với bậc phổ thông chỉ còn các hội thi đồ dùng dạy học và GVDG. Đây là các hội thi cần thiết cho giáo viên. Hội thi GVDG nên được duy trì, đây là một "áp lực" có ích, để giáo viên phấn đấu, rèn luyện và trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ngành giáo dục cần có quy chế tổ chức hội thi GVDG một cách thiết thực. Ngoài việc dự giờ lên lớp và bài viết kiểm tra năng lực, cần có bộ công cụ đánh giá khách quan, thực chất năng lực của giáo viên cả về phẩm chất, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy thì mỗi thầy, cô giáo được công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” phải giỏi thực sự về chuyên môn và chuẩn mực về đạo đức, phẩm chất”.

Trịnh Phương
(thực hiện)


.