Ở nơi ấy có một ngôi trường

09:12, 17/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Ẩn mình dưới những tán cây rừng già bên dòng suối Tà Veo thuộc xã Trà Xinh, khu Sơn Trà năm xưa (nay là huyện Tây Trà), ít ai biết nơi đây những năm 1969 - 1972 của thế kỷ trước có một ngôi trường dạy chữ cho cán bộ tham gia kháng chiến trong tỉnh, với quy mô tuy còn nhỏ bé nhưng là một dấu mốc của nền giáo dục giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.

Là trường trực thuộc Ban Giáo dục tỉnh, khi mới thành lập, trường đóng ở khu vực Sơn Cao, Sơn Thượng (Sơn Hà) do thầy Phạm Vân Hà làm hiệu trưởng, sau chuyển về xã Trà Xinh do thầy Huỳnh Quang Vận làm hiệu trưởng.
 
Trường có đủ các lớp cấp I hoàn chỉnh, từ lớp 1 đến lớp 4 hệ 10 năm. Trường được chia làm 2 khối gồm khối 3 và 4 do thầy Huỳnh Quang Vận, khối 1 và 2 do tôi trực tiếp giảng dạy. Học viên được đào tạo ở đây là những cán bộ cấp xã, cấp huyện và con em đồng bào các huyện miền núi trong tỉnh với số lượng hàng năm lên đến trăm người.
 
Trường có hàng chục lán trại, khung làm bằng gỗ, mái lợp lá bộp (một loại cây có tán rộng, lá to, được xâu kết lại thành tấm lợp). Các lán trại được dùng làm phòng học, nhà ở, nhà bếp, khu kho, khu vệ sinh... Bàn ghế được cán bộ, học viên nhà trường tạo ra bằng thân cây nứa, cây gỗ rừng.

Đất Trà Xinh không thiếu những rừng nứa đầy sức sống, chở che cho bao nóc nhà đồng bào Cadong ở đây. Trường chỉ cách nóc ông Mới hơn một cây số. Men theo con đường dốc được che phủ bởi những tán rừng già, rừng nứa bạc ngàn, theo hướng Tây - Bắc chừng một giờ đồng hồ đi bộ là đến nóc ông Dương, đổ dốc qua dòng sông Hà Riềng chừng hai giờ nữa là đến “bình nguyên” Nà Niêu, nay là xã Trà Phong (Tây Trà).
 
Cũng từ địa điểm trường đứng chân, qua nóc ông Mới, theo hướng Đông - Nam đổ dốc chừng một giờ đồng hồ là đến ngã ba Hà Riềng - Sông Tang, men theo con đường “Thanh Niên” bằng phẳng chừng ba cây số là đến ngã ba Nước Biếc - Sông Tang (đồng bào ở đây thường gọi là nước Toong, nay là khu vực Hồ Nước Trong).
 
Ngược dòng Nước Biếc, men theo con đường mòn ngoằn ngòe bên dòng suối chừng hai giờ đồng hồ nữa là đến “Đại bản doanh” của tỉnh nằm ở lưng sườn núi Cà Đam thuộc xã Trà Trung (nay là xã Trà Thọ, huyện Tây Trà). Cơ quan Ban Giáo dục tỉnh cũng nằm trong khu vực “Đại bản doanh” này. Hàng tháng, trường cử cán bộ về báo cáo tình hình và xin chỉ đạo của Ban Giáo dục tỉnh.

Nhớ lại ngày ấy, thầy Huỳnh Quang Vận, quê xã Phổ Minh (Đức Phổ), người đã tốt nghiệp đại học sư phạm từ miền Bắc chi viện chiến trường, được Ban Giáo dục tỉnh cử về đây “gây dựng cơ đồ” phục vụ công cuộc kháng chiến. Thầy Vận là người mẫu mực về sư phạm, tính cẩn thận, ngăn nắp, gọn gàng, chữ viết đẹp, đặc biệt là chữ viết trên bảng thì ít ai sánh kịp. Từ mùa hè cho đến mùa đông, hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, thầy luôn dành thời gian luyện tập thể dục, tắm mình trong dòng nước mát. Nhờ vậy mà thầy mạnh khỏe, không đau ốm gì, trong khi đó chúng tôi, trẻ tuổi hơn, lại không ít lần bị cơn sốt rừng hành hạ có lúc đến kiệt sức.

Để tồn tại, đứng vững trên địa bàn, hằng tháng, nhà trường phải cử người thay phiên nhau vượt đèo, dốc về cửa ngõ vùng đồng bằng để lấy lương thực, thực phẩm... và không ít lần bị địch phục kích. Một lần bị như thế, chị Thủy đã hy sinh, mất tích. Cuối năm 1972 trường được sáp nhập với trường sư phạm và chuyển về vùng giáp ranh đồng bằng, chuẩn bị cho việc tiếp quản đô thị.

Mặc dù chỉ tồn tại hơn bốn năm, nhưng đã để lại trong tôi một dấu ấn không thể phai mờ về một ngôi trường ở chiến khu trong những tháng ngày đầy gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi ấy, chính kẻ thù của chúng ta cũng không hề hay biết rằng, ở nơi ấy có một ngôi trường…
 

Bùi Hoài Ân

 


.