Nỗi lo thiếu giáo viên

05:11, 05/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua đã bổ sung hơn 1.600 biên chế giáo viên, nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn diễn ra tại các địa phương. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Tại TP.Quảng Ngãi, dù được bố trí 111 biên chế giáo viên trong kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, nhưng hiện nay vẫn còn thiếu hàng trăm giáo viên đứng lớp. Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hưng cho biết: Dù được bổ sung thêm biên chế, nhưng năm học 2018-2019, thành phố vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non.

 

Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Trà Bùi, huyện Trà Bồng.
Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Trà Bùi, huyện Trà Bồng.


Không chỉ ở TP.Quảng Ngãi, huyện miền núi Trà Bồng cũng đã tuyển dụng giáo viên trong đợt vừa qua, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 50 giáo viên ở cả 3 cấp học. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Trần Minh Điệp lý giải: Việc thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, do mở rộng quy mô bán trú. Tổ chức bán trú đòi hỏi học sinh phải được chăm sóc, giáo dục tốt hơn, nhưng không có giáo viên thì rất khó thực hiện. Hơn nữa, việc thiếu giáo viên ở bậc mầm non còn gây khó khăn trong việc huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp.

Đợt thi tuyển giáo viên vừa qua vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở giáo dục. Nguyên nhân là do nhiều năm trước tỉnh không tổ chức tuyển dụng giáo viên. Thực tế đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời gây áp lực cho các cơ sở giáo dục không chỉ về chất lượng, nhân lực, mà cả về kinh phí, vì trường phải trả tiền tăng giờ, hoặc phải hợp đồng thêm giáo viên giảng dạy từ nguồn kinh phí chi hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị.

Cần có giải pháp khắc phục           

Trước thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, các phòng GD&ĐT hiện đang tiếp tục tham mưu UBND huyện cho phép hợp đồng trong và cả ngoài biên chế để đảm bảo có giáo viên đứng lớp. Năm học 2018-2019, huyện Sơn Hà thiếu hơn 160 giáo viên. Để đảm bảo công tác giảng dạy, nhiều trường phải ký hợp đồng giáo viên đứng lớp. Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba (Sơn Hà) Đặng Ngọc Việt cho biết: Năm học 2018-2019, trường đề xuất bổ sung 3 giáo viên, nhưng chỉ được bố trí 1 giáo viên.

Để đảm bảo số giáo viên đứng lớp theo quy định, trường phải hợp đồng thêm 4 giáo viên. Tuy nhiên, chế độ dành cho giáo viên vẫn còn hạn chế, nhất là đối với giáo viên hợp đồng, nên các thầy, cô giáo chưa an tâm công tác. Cô N. (giáo viên hợp đồng ở huyện Sơn Hà) thổ lộ: “Em sẽ nỗ lực hết sức để truyền dạy kiến thức cho học sinh.  Tuy nhiên là giáo viên hợp đồng nên cũng rất lo lắng và chưa thực sự an tâm công tác”.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc hợp đồng giáo viên đứng lớp chỉ là giải pháp tình thế. Giám đốc sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng: Giáo viên hợp đồng sẽ không an tâm và hạn chế về trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Giáo viên hợp đồng ngắn hạn sẽ khó theo dõi diễn biến chất lượng của học sinh để có những phương pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy. Để giải quyết tận gốc bài toán thiếu giáo viên như hiện nay, các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục cần tiếp tục rà soát, bố trí số lượng giáo viên theo từng vị trí; tích cực tham mưu cấp thẩm quyền tuyển dụng đúng, đủ số lượng giáo viên theo quy định.   


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.