Hạnh phúc giản dị

08:11, 29/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề dạy học là một trong những nghề cao quý nhất. Hình ảnh những thầy, cô giáo hết lòng vì học trò, tâm huyết với nghề luôn được người dân quý mến, xã hội tôn vinh.

TIN LIÊN QUAN


Những đóa hoa rừng


Người ta thường ví thầy, cô giáo là những “người đưa đò”. Và trong cả cuộc đời làm nghề, họ cũng không thể nào nhớ hết những “khách qua đò”, nhưng sẽ rất vui và hạnh phúc khi biết những học trò của mình đã trưởng thành trong cuộc sống, thành danh trong công việc. Với những thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, dường như chỉ có tâm huyết với nghề, hết lòng vì học trò thân yêu, thì mới có thể trụ bám, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người.

Bởi lẽ, ở những vùng quê này, không chỉ đường đi lại khó khăn, hiểm trở; cơ sở vật chất trường lớp chưa hoàn thiện, mà khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh và nhận thức của phụ huynh trong chăm lo việc học của con em cũng còn nhiều hạn chế. Nhưng rồi, các thầy, cô giáo vẫn miệt mài gắn bó với vùng cao để làm tròn trách nhiệm trồng người. Họ là những đóa hoa rừng thầm lặng tỏa hương giữa chốn đại ngàn.

 

Học sinh ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh tri ân thầy cô bằng chính những món quà tự tay làm.
Học sinh ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh tri ân thầy cô bằng chính những món quà tự tay làm.


Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Dinh (Ba Tơ) Nguyễn Thị Kim Liên là một trong những "đóa hoa" như thế. Cô Liên có thâm niên công tác ở miền núi gần 30 năm và là một trong hai nhà giáo của Quảng Ngãi vinh dự được Bộ GD&ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2018.

Cô Liên tâm sự: “Hạnh phúc của người giáo viên là được dạy học, vì đó là nghề mình theo đuổi. Có những lúc chúng tôi phải gác lại những hạnh phúc riêng tư để đến với học trò. Đặc biệt, với học sinh miền núi, các em vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nếu giáo viên không chia sẻ, chỉ bảo tận tình thì các em khó có thể tiến bộ”.

Cô giáo trẻ Trịnh Thị Chiêu, ở điểm thôn Gò, Trường Mầm non xã Trà Bùi (Trà Bồng) cũng quên đi bao nỗi vất vả trong những ngày đầu lên công tác ở miền núi với nụ cười mãn nguyện và đầy tự hào khi được đứng trên bục giảng. Cô Chiêu chia sẻ: “Đã làm nhà giáo thì không có khái niệm chọn môi trường tốt để dạy. Nơi nào có học trò là chúng tôi có mặt để ngày ngày dạy dỗ các em.

Niềm vui của giáo viên vùng cao là mang đến cho các em những con chữ, những khám phá mới trong cuộc sống. Mỗi lần nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ của các em sáng lên vì nhận ra những điều mới mẻ từ lời cô giáo giảng bài là niềm hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi”.

 

“Hạnh phúc của người giáo viên là được dạy học, vì đó là nghề mình theo đuổi. Có những lúc chúng tôi phải gác lại những hạnh phúc riêng tư để đến với học trò. Đặc biệt, với học sinh miền núi, các em vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, nếu giáo viên không chia sẻ, chỉ bảo tận tình thì khó có cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Dinh (Ba Tơ)  NGUYỄN THỊ KIM LIÊN


Vun đắp những giấc mơ


Giáo viên không chỉ mang đến cho học sinh những kiến thức cơ bản, mà còn có trách nhiệm hun đúc, bồi dưỡng cho các em những kỹ năng sống, nhân cách làm người. Để làm được điều đó, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương về nhân cách và đạo đức. Nhà giáo ưu tú Thái Thị Như Uyên, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) luôn thấu hiểu được điều đó. Suốt 25 năm công tác, cô không chỉ cần mẫn, tận tâm và trách nhiệm với nghề, với học trò thân yêu của mình, mà cô còn là tấm gương sáng về lòng nhân ái đối với đồng nghiệp và học trò.

Cuộc đời làm nghề dạy học của cô giáo Như Uyên như những thước phim về lòng nhân ái. Có lần đến lớp, thấy một học sinh vắng học nhiều ngày liền mà không có lý do, cô Như Uyên liền đến tận nhà tìm hiểu thì mới biết hoàn cảnh của em, khiến cô phải rơi nước mắt. Em học sinh này ngày nào cũng đến trường, nhưng em không vào lớp vì không có đồ đồng phục để mặc.

Ba mẹ em ly hôn và có cuộc sống mới, em ở với cậu mợ làm nghề mua bán nhỏ lẻ nên không có điều kiện để lo cho em tươm tất. Thấu cảm với hoàn cảnh của học sinh này, cô Như Uyên đã trích một phần lương ít ỏi của mình để may ba bộ đồng phục tặng cho em, giúp em hoàn thành giấc mơ là được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Đến với những thầy cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh chúng tôi cũng thật sự cảm động bởi tình thầy trò ở đây vô cùng cao quý. Học sinh ở trung tâm là những đứa trẻ hạn chế về kỹ năng và phát triển tư duy. Vì thế, các thầy cô giáo ở đây vừa làm thầy, vừa là cha mẹ, là bạn, là nhà tư vấn tâm lý cho các em. Nếu không thật sự yêu nghề, không vì tương lai của những đứa trẻ kém may mắn này, thì có lẽ họ sẽ không bám trụ với nghề.


Những nghĩa cử tri ân


Cô giáo Trần Thị Thắng có thâm niên 31 năm dạy học, thì có phân nửa thời gian làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật chia sẻ: “Chúng tôi luôn xem những đứa trẻ ở đây như con của mình. Vì thế, mỗi ngày, nhìn các con có những tiến bộ dù là nhỏ, chúng tôi vui và hạnh phúc lắm rồi, vì có những cử chỉ phải rèn cho các con hằng tháng trời”. Thật vậy, chỉ với một nét cong của một con chữ thôi mà các cô giáo ở đây nhiều hôm phải toát mồ hôi, có cô còn phải rơi nước mắt, vì công sức của mình bỏ ra nhưng chưa thấy các em tiến bộ, nhất là những em bị thiểu năng trí tuệ.

 

Niềm vui của giáo viên miền núi là ngày ngày thấy học sinh đến lớp đều đặn.
Niềm vui của giáo viên miền núi là ngày ngày thấy học sinh đến lớp đều đặn.


Nói về những hoạt động tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 201.11, cô giáo Trương Thị Thi, công tác ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi được xã hội, phụ huynh chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề đối với những giáo viên có tính chất đặc thù này.

Với học trò của mình, dù nhận thức còn nhiều hạn chế, nhưng mỗi khi đến ngày 20.11, các em cũng tự tay làm những bông hoa, món quà... để tặng thầy cô giáo. Đối với chúng tôi, đó là những nghĩa cử tri ân vô giá, là niềm hạnh phúc lớn lao, bởi các em đã không ngừng vươn lên để hòa nhập với cộng đồng.

Cô giáo Trịnh Thị Chiêu thì bộc bạch: Những nghĩa cử tri ân của đồng bào vùng cao đối với thầy cô giáo không như ở miền xuôi. Không có hoa tươi, những món quá đắt tiền, mà quà 20.11 chỉ là mớ rau rừng, con cá vừa bắt được dưới suối, những buồng chuối vừa chặt ở trên rẫy... Và cũng không chờ đến ngày Hiến chương Nhà giáo, mà hằng ngày, người dân nơi đây có cái gì ngon cũng để dành tặng cho các thầy, cô giáo. Những nghĩa cử đó, càng khiến chúng tôi thêm tin yêu, gắn bó với giáo dục cùng cao.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG






 


.