Dạy và học môn tiếng Anh: Đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng?

09:10, 14/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc dạy và học môn tiếng Anh ở các trường học trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều kiện học tập không đảm bảo, vẫn còn tình trạng một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn B2, C1, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; còn yếu về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực sư phạm và cả về năng lực ngôn ngữ... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

TIN LIÊN QUAN


Vậy đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến?  

Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Theo thống kê điểm thi môn tiếng Anh ở tỉnh ta trong kỳ thi THPT quốc gia 2 năm gần đây cho thấy, năm 2017 toàn tỉnh có 11,2% HS đạt điểm khá, giỏi; 16,47% HS đạt điểm trung bình; 72,33% HS bị điểm yếu kém. Năm 2018, kết quả thấp hơn, với 5% HS đạt điểm khá, giỏi; 11,62% HS đạt điểm trung bình; 83,38% HS bị điểm yếu kém. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số HS được học chương trình tiếng Anh 10 năm chiếm tỷ lệ thấp, nhất là cấp THPT. Năm học 2017-2018, số trường tổ chức dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm theo cấp tiểu học là 100%; cấp THCS là 54,78%; cấp THPT là 4,36%.


Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Hữu Long: “Cần triển khai đồng bộ các giải pháp”

Nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường là chuyện không phải một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có  lộ trình, bắt đầu từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT và có sự đầu tư liên tục về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Sở GD&ĐT đã xây dựng Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020", trong đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh.

Sở GD&ĐT khuyến khích dạy học tăng cường tiếng Anh trong các trường phổ thông, hợp đồng giáo viên nước ngoài hỗ trợ giáo viên bộ môn trong việc nâng cao các kỹ năng tiếng Anh cho học sinh, nhất là kỹ năng nghe và nói. Sở đã chỉ đạo các trường phổ thông hằng năm chú trọng đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, với đầy đủ các thiết bị nghe-nhìn như máy cassette, máy tính, đèn chiếu hoặc thiết bị tương tác đa năng. Các lớp học, phòng học tiếng Anh cần có kết nối mạng Internet để giáo viên và học sinh có thể sử dụng các phần mềm dạy học tiếng Anh trực tuyến.

Đối với giáo viên dạy môn tiếng Anh, yêu cầu phải sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử, tích cực khai thác, ứng dụng hiệu quả các phần mềm, nguồn học liệu trực tuyến phục vụ dạy học tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai mở rộng và dần phủ kín chương trình dạy và học tiếng Anh 10 năm ở các cấp học tiểu học, THCS, THPT (từ lớp 3-12), xây dựng và phát huy mạnh mẽ môi trường tự học, nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh cho giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Trần Thị Bước: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”

Việc triển khai dạy và học môn tiếng Anh ở huyện Trà Bồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu cơ sở vật chất. Mặt khác, toàn huyện còn thiếu 9 giáo viên, trong đó cấp tiểu học thiếu 3 giáo viên, THCS thiếu 6 giáo viên. Bộ GD&ĐT quy định các trường tiểu học phải nâng thời lượng dạy tiếng Anh lên 4 tiết/tuần, nhưng do không đủ giáo viên nên các đơn vị chỉ triển khai dạy 2 tiết/tuần.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thời gian tới, cùng với việc đảm bảo về số lượng giáo viên dạy môn tiếng Anh, huyện sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá chuẩn giáo viên tiếng Anh, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, dự giờ, thao giảng để nâng cao nghiệp vụ, năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy, học ngoại ngữ trong giai đoạn hiện nay.

Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ (Trường THPT chuyên Lê Khiết) Trần Thị Thanh Hà: “Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá”

Đề thi THPT quốc gia chỉ tập trung vào 2 kỹ năng đọc - viết, trong khi đó học sinh cần phải được dạy cả 4 kỹ năng (nghe- nói - đọc - viết). Một số em trong các đội tuyển học sinh giỏi được bồi dưỡng thi cấp trường, tỉnh, cấp quốc gia thì được ôn luyện đầy đủ 4 kỹ năng; còn lại đa số học sinh khó đáp ứng được yêu cầu thành thạo cả 4 kỹ năng. Chính vì thế, kết quả kỳ thi THPT quốc gia đối với môn tiếng Anh ở tỉnh ta không cao.

Theo tôi, cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá theo hướng lồng ghép đánh giá các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Bên cạnh việc tăng cường thiết bị dạy học, thì giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh cần chủ động, sáng tạo trong soạn giảng, không nhất thiết phải lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà có thể tinh gọn bài giảng để giảm quá tải. Đồng thời, giáo viên cần linh hoạt thiết kế các hoạt động, làm việc theo nhóm, thường xuyên thảo luận... để học sinh mạnh dạn, hứng thú trong các giờ học tiếng Anh.


Lê Trần Hà Ny, học sinh lớp 12C1 Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn): “Tham gia câu lạc bộ tiếng Anh để rèn luyện các kỹ năng"
 
Trong giờ học chính khóa, thời gian hạn chế, nên rất ít khi các bạn được thực hành các kỹ năng như nghe - nói.
 
Khi gặp người nước ngoài, các bạn còn rụt rè, không dám giao tiếp. Vì vậy, để trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình, mỗi bạn phải thường xuyên tự học, tham khảo tài liệu, chương trình học qua mạng...
 
Hơn nữa, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh ngay trong trường cũng là cách học tiếng Anh rất thú vị, không nhàm chán. Khi sinh hoạt câu lạc bộ, các bạn có cơ hội trao đổi vốn từ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, nhất là  giao tiếp trước đám đông.

 

TRUNG ÂN
(thực hiện)

 


.