Hướng nghiệp đâu chỉ cho học sinh yếu

05:09, 04/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ trương phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh sau bậc THCS và THPT được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, công tác này mới chủ yếu hướng vào những học sinh có học lực trung bình, yếu.

TIN LIÊN QUAN

Học sinh yếu mới học nghề

Trường THCS xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) là đơn vị thực hiện tốt việc phân luồng HS sau bậc THCS. Nhiều em sau khi học hết lớp 9 đã theo học nghề và đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lâm Nguyễn Phúc Lộc, đa số HS được phân luồng là những em có học lực yếu. Riêng năm học 2017-2018, toàn trường có 75 em tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có 12 em đăng ký học nghề, số còn lại tiếp tục học THPT.

Học sinh Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ngãi trong giờ thực hành.
Học sinh Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ngãi trong giờ thực hành.


Tại huyện Nghĩa Hành, có rất ít HS học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Chế Thanh Vũ cho rằng, công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 trường THPT, nên điều kiện trúng tuyển vào lớp 10 không khó như trước. Vì vậy, có rất ít HS sau khi tốt nghiệp THCS theo học nghề.

Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh chưa muốn cho con em học nghề. Chị N.T.N ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) có con chuẩn bị vào Trường THPT số 2 Nghĩa Hành cho rằng: “Dù gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con học hết cấp 3. Ở tuổi 15, cháu còn quá nhỏ để cho học nghề”.
 

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, phải có 30% học sinh tốt nghiệp lớp 9 theo học nghề. Đây là cơ sở để tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Hằng năm, số lượng HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh thi không đỗ lớp 10 tham gia học nghề không nhiều. Điều đó cho thấy, công tác nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh trong việc học nghề còn nhiều hạn chế.

Để HS tự nguyện học nghề?

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng, các trường chưa làm tốt vai trò khuyến khích, khơi gợi trong HS niềm yêu thích để tự nguyện học nghề. Còn theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam, để HS xác định được nghề nghiệp trong tương lai rất cần sự chung tay của các ngành chức năng, phụ huynh và cả nhà trường trong việc định hướng nghề cho các em.  

Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lâm Nguyễn Phúc Lộc chia sẻ kinh nghiệm: Giáo viên phụ trách hướng nghiệp phải nắm vững kiến thức kinh tế - xã hội, kỹ năng hướng nghiệp, học lực của mỗi HS, thì mới thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho HS. Thực tế cho thấy, khi phân luồng đúng sẽ giúp HS sớm có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, tạo cho các em nhiều cơ hội để lập nghiệp. Các trường nghề cũng cần có những cơ chế, tạo thuận lợi cho HS trong việc học nghề và giải quyết việc làm, có như vậy mới thu hút được học viên, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Có 200 nghìn sinh viên đại học thất nghiệp

Cũng như các địa phương trong cả nước, hằng năm Quảng Ngãi có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt gần 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 90% trở lên. Riêng năm học 2017 – 2018, tỷ lệ học sinh (HS) đỗ tốt nghiệp THPT gần 93%. Đa phần HS sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên cao đẳng, đại học, ít có HS theo học trung cấp. Mới đây, Bộ GD&ĐT thông tin, cả nước có đến 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp thì đang "khát" nguồn lao động có tay nghề, nhất là lao động kỹ thuật cao.

 


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.