Thi THPT quốc gia 2018: Cần đánh giá lại công tác thi và chấm thi

10:08, 07/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước những sai phạm ở một số tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, dư luận đang quan tâm đến vấn đề có nên hay không trong việc duy trì kỳ thi THPT quốc gia.

TIN LIÊN QUAN

Một số ý kiến cho rằng, không nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi tuyển sinh vào đại học nên để các trường “top” trên tổ chức. Các trường “top” dưới sẽ xét dựa vào kết quả đó. Cũng có ý kiến cho rằng, nên xét tốt nghiệp THPT và tổ chức một kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ)...

 

  Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn đánh giá lại công tác tổ chức thi THPT quốc gia và lắng nghe dư luận để có những thay đổi phù hợp. Trong ảnh: Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi THPT chuyên Lê Khiết.
Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn đánh giá lại công tác tổ chức thi THPT quốc gia và lắng nghe dư luận để có những thay đổi phù hợp. Trong ảnh: Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi THPT chuyên Lê Khiết.


Xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu nhận định,  kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” có nhiều thuận lợi, được đánh giá là phù hợp nhất hiện nay. Trước đây, việc giao cho các trường đại học tổ chức thi đã gây khó khăn cho thí sinh trong việc di chuyển, mất an toàn giao thông, tốn kém chi phí... Vì thế, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, nhằm khắc phục những hạn chế trên. Bộ đã phân hóa học sinh ngay trong từng đề thi của mỗi môn. Đối với việc xét tốt nghiệp, ngoài lấy kết quả điểm thi THPT quốc gia, các thí sinh còn được cộng điểm học bạ và ưu tiên, khuyến khích...

Đối với những thí sinh có nhu cầu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì lấy kết quả thi THPT quốc gia, hoặc học bạ theo phương án tuyển sinh riêng của từng trường. Tất cả các thí sinh trong cả nước cùng tham gia một kỳ thi nên sẽ công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Phu cũng cho rằng, Bộ GĐ&ĐT nên thay đổi trong khâu tổ chức, nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, tránh trường hợp tiêu cực xảy ra như ở một số tỉnh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Bùi Phụ Anh thì chia sẻ, nên giữ kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên giao cho các trường đại học chấm các môn trắc nghiệm theo cụm. Như vậy sẽ đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan. Đối với các trường ĐH, CĐ, việc xét tuyển đầu vào chỉ nên coi là một bước để đánh giá chất lượng ban đầu. Để khẳng định chất lượng đào tạo, các trường cần tập trung thắt chặt đầu ra bằng việc đưa ra một ngưỡng đảm bảo chất lượng nhất định. Trường hợp thí sinh chưa đảm bảo ngưỡng chất lượng quy định thì sẽ không được tốt nghiệp. Đây cũng là cách mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.

Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng, Bộ GD&ĐT nên giao cho các địa phương, cụ thể là Sở GD&ĐT tổ chức và công nhận tốt nghiệp. Bộ chỉ tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và đưa ra phương thức cho các trường chọn thi hay xét tuyển phù hợp với mỗi đơn vị. Bộ giám sát việc thực hiện và thanh, kiểm tra xem các trường có thực hiện đúng quy chế hay không.

Thực tế cho thấy, mỗi phương thức thi đều có những ưu, nhược điểm riêng. Điều quan trọng là, Bộ GD&ĐT nên đánh giá, nhìn nhận lại và tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia, các thầy cô giáo và xã hội, để có những thay đổi phù hợp theo hướng có lợi cho thí sinh.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.