Phổ cập giáo dục THCS: Vì sao xã Nghĩa An chưa đạt chuẩn?

10:08, 07/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các xã miền núi, hải đảo trong tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục (PCGD) THCS. Riêng xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) thì chưa đạt chuẩn. Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo địa phương, vì ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu về đích nông thôn mới (NTM) của xã vào cuối năm 2018.

TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS thấp

Những ngày qua, cả hệ thống chính trị ở xã Nghĩa An đã vào cuộc vận động HS ra lớp học bổ túc THCS. Qua 2 đợt vận động, nhưng vẫn không thể mở lớp, vì HS đăng ký quá ít (17/125 em).  Nguyên nhân, do nhiều em đi làm ăn xa; một số em ở tại địa phương thì không đồng ý ra lớp học.

 Trường THCS Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Tr.Ân
Trường THCS Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi. Ảnh: Tr.Ân


Tình trạng HS bỏ học giữa chừng ở xã Nghĩa An đã kéo dài nhiều năm nay, mặc dù địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Do vậy, số thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi chưa tốt nghiệp THCS chiếm tỷ lệ khoảng 50%/tổng số thanh, thiếu niên của xã trong độ tuổi này. Một cán bộ ở xã Nghĩa An bộc bạch: “Chúng tôi không thể vui khi nhắc đến công tác PCGD THCS ở xã. Khi nghe nhà trường báo tin có HS nghỉ học, xã cử cán bộ xuống vận động, thì phụ huynh bảo: Tụi nhỏ không muốn học thì ép làm gì”.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An Lê Văn Tạo cho biết, bình quân mỗi năm học có khoảng 40-50 học sinh của trường bỏ học giữa chừng. Riêng năm học 2017-2018, số HS bỏ học tuy có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (41 em). “HS có học lực yếu bỏ học đã đành. Ngay cả những em học trung bình, khá cũng bỏ học. Nhà trường đã làm mọi cách nhưng vẫn chưa có hiệu quả", ông Tạo thở dài.

Chuyện học ở xã Nghĩa An qua câu chuyện kể của cán bộ và giáo viên ở đây nghe mà đượm buồn. “Nó đi làm rồi không có ở nhà. Làm gì mà cứ đến nhà, rồi điện thoại hoài vậy?... Đấy là lời của rất nhiều phụ huynh có con em nghỉ học giữa chừng nói với cán bộ xã, thôn và giáo viên mỗi khi đến nhà vận động HS bỏ học giữa chừng trở lại lớp.
 

Trước những khó khăn của xã Nghĩa An trong việc hoàn thành tiêu chí số 14 về GD&ĐT trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố có giải pháp khắc phục triệt để thực trạng này.

Chưa coi trọng việc học

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lệ Thu cho biết, đa số HS bỏ học để đi biển hoặc đi làm thuê ở miền Nam. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do một số phụ huynh chưa coi trọng việc học của con em. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động học sinh ra lớp học bổ túc THCS; thành lập tổ vận động HS ra lớp ở từng thôn, đồng thời triển khai nhiều biện pháp từ việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ sách vở, học phí, thậm chí là đến nhà chở HS đi học bổ túc... nhưng vẫn không thành công.

Thầy giáo Lê Văn Tạo kể, cuối học kỳ II năm học vừa rồi, một học sinh lớp 9 của trường đang thi học kỳ thì nghỉ ở nhà, với ý định đi biển kiếm tiền. Ngay lập tức cán bộ xã và giáo viên đến nhà vận động em  cố gắng thi hết các môn để có bằng tốt nghiệp THCS và rất may em đã đồng ý. Thêm một HS tốt nghiệp THCS là thêm niềm vui cho giáo viên và cán bộ ở địa phương, thế nhưng đối với phụ huynh, HS thì điều đó không có gì quan trọng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa An Võ Thị I.Va cho biết thêm, năm rồi có một HS nghỉ học khi mới bước vào lớp 6. Em này đồng ý đi học lại khi mặt trận và Hội LHPN xã đến nhà động viên, tặng xe đạp, học bổng... Tuy nhiên, đến cuối năm học 2017-2018 thì em này đã bỏ học. “Các em thiếu sự quan tâm, định hướng của cha mẹ, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là đi làm thuê để có tiền tiêu xài như một số anh chị đã nghỉ học trước đó”, chị I.Va nói.

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng ở TP.Quảng  Ngãi và ngành giáo dục cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không thể để kéo dài tình trạng trẻ em ở xã Nghĩa An nghỉ học sớm để mưu sinh. Điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ đối với tương lai các em, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.


PHƯƠNG LÝ



 


.