Nhiều phụ huynh băn khoăn việc khen thưởng cuối năm

03:06, 04/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các trường học trong tỉnh vừa tổ chức lễ tổng kết năm học 2017-2018. Việc đổi mới cách đánh giá năng lực học sinh đã giảm áp lực về điểm số, tuy nhiên nhiều phụ huynh băn khoăn xoay quanh việc khen thưởng.

Nhiều phụ huynh đồng tình với việc đánh giá năng lực học sinh theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT, học sinh không còn phải chịu áp lực của điểm số, của bài tập về nhà, thay vào đó chủ yếu là động viên, khích lệ những mặt tốt của trẻ. Trong suốt quá trình học của con, cha mẹ không còn phải dò hỏi sau giờ tan học hôm nay con bao nhiêu điểm, có điểm 10 dành tặng mẹ hay không? Những tưởng những mặt tích cực này sẽ giúp trẻ vừa học tập, vừa vui chơi đúng bản chất hồn nhiên của tuổi thơ.

Thế nhưng, khi năm học vừa kết thúc, nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng. Chị T ở huyện Ba Tơ, có con học lớp 2 tâm sự: "Tối nào hai vợ chồng cũng thay phiên nhau chỉ cho con học, vậy mà con lại không được đánh giá mặt nào tích cực cả, cô giáo đánh giá chỉ hoàn thành chương trình lớp học, thấy mà chạnh lòng".

Giáo viên Trường Tiểu học Ba Liên (Ba Tơ) dạy học sinh lớp 1 tập đánh vần. ẢNH: TRƯỜNG AN
Giáo viên Trường Tiểu học Ba Liên (Ba Tơ) dạy học sinh lớp 1 tập đánh vần. ẢNH: TRƯỜNG AN


Một giáo viên dạy tiểu học ở huyện Ba Tơ cho hay, việc xét đánh giá học sinh cuối năm học rất áp lực, vất vả cho giáo viên. Việc đánh giá trên cơ sở theo dõi của giáo viên về năng lực học sinh và kết quả điểm thi cuối kỳ, thế nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng với cách đánh giá này, không ai chịu con mình học thua sút.

Ở các huyện đồng bằng, các bậc phụ huynh càng đặt nặng vấn đề khen thưởng. Hầu hết phụ huynh đều muốn con mình được nhận giấy khen. Tuy nhiên, cũng có một số ít phụ huynh cho rằng, việc khen thưởng mang tính "cào bằng" như hiện nay, sẽ không khuyến khích được sự nỗ lực của học sinh.

Một phụ huynh có con học lớp 1 ở TP.Quảng Ngãi bảo: Lớp có 44 cháu, nhưng đã có 40 cháu nhận giấy khen. Ngày trước, con ai nhận giấy khen thì giống như là “điểm sáng” của lớp, của làng, mọi người lấy đó làm tấm gương để dạy bảo con cháu noi theo. Bây giờ, khen đủ kiểu, cứ tổng kết năm học thì cháu nào cũng được nhận giấy khen.

Theo Thông tư 22 xét khen thưởng học sinh là cả một quá trình. Trong quá trình dạy, tuy không cho điểm, nhưng giáo viên phải theo dõi để đánh giá, kịp thời động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy khả năng về các mặt...

Đến cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Trên cơ sở này để khen thưởng những em hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện; học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất.

Tuy nhiên, đây là cách đánh giá theo cảm tính, “lượng hóa” mức độ hoàn thành của các môn học và hoạt động giáo dục của từng học sinh trong lớp. Vì vậy, nhiều người cho rằng: Giấy khen không là tất cả. Bởi, mỗi người ai cũng đều có những mặt mạnh, mặt yếu. Phụ huynh đừng nên quá nặng nề đến hình thức khen thưởng mà gây áp lực cho con em mình, hãy phối hợp với nhà trường để uốn nắn, giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, giúp trẻ phát huy những mặt mạnh trong sự thoải mái và yêu thích việc học.  


TRƯỜNG AN



 


.