Học sinh trung bình của Việt Nam giỏi hơn học sinh giỏi Ấn Độ?

09:03, 16/03/2018
.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, một học sinh Việt Nam 10 tuổi trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.

 

Học sinh tiểu học tại một tiết học theo mô hình trường học mới - Ảnh: VĨNH HÀ
Học sinh tiểu học tại một tiết học theo mô hình trường học mới - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong báo cáo mới vừa công bố, Ngân hàng thế giới cho biết 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó phát triển thực sự ấn tượng là hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam.
 
Đây là "một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới".
 
Theo đó, tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, có 40% trẻ em đang ở độ tuổi đến trường được theo học tại các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) -  gồm các thành viên mà hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao, nền kinh tế phát triển.
 
Điều đáng nói các trường này không chỉ nằm ở những nước giàu như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
 
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ngân hàng Thế giới đưa ra dẫn chứng: ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
 
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ, và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực. 
 
Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc (các tỉnh và thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực Toán và Khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD. 
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ như ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực. 
 
Ở các quốc gia như Campuchia và Timor Leste,  thậm chí có tới hơn 1/3 học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.
 
 
NGỌC HÀ/Báo Tuổi trẻ

.