Cần làm tốt khâu hướng nghiệp và phân luồng học sinh

10:01, 01/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, một số trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và ngoài tỉnh đã liên hệ với Ban Giám hiệu trường chúng tôi để làm công tác tư vấn tuyển sinh năm 2018. Trường chúng tôi cũng như các trường THPT khác luôn tạo điều kiện tối đa cho các trường ĐH, CĐ trong hoạt động này. Đồng thời nhằm giúp các em học sinh của mình có thêm những thông tin, hiểu biết kỹ  hơn về khối thi, ngành nghề trước khi đăng ký hồ sơ vào tháng 4.2018.

TIN LIÊN QUAN


Bàn tư vấn của một trường ĐH vừa đặt xuống, nơi giữa sân trường, có hàng trăm em học sinh đến tìm hiểu, đặt nhiều câu hỏi về hướng nghiệp đối với bộ phận làm tư vấn tuyển sinh. Tại nhà trường, chúng tôi đã, đang thực hiện chương trình hướng nghiệp dành cho học sinh 3 khối lớp 10, 11 và lớp 12 với thời lượng 1 tiết/ tháng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng cũng xin nói thật, hoạt động này lâu nay chỉ mang tính hình thức, đối phó là chính, vì thầy, cô giáo giảng dạy đều là giáo viên kiêm nhiệm từ các bộ môn văn hóa khác, ít có điều kiện trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục - đào tạo ĐH, CĐ, trung cấp, các công ty, xí nghiệp... và mức độ đầu tư cho nó rất hạn chế. Giáo viên đã vậy, ở đối tượng học sinh càng khó khăn hơn, do thiếu kinh phí, do việc học hành- thi cử luôn vây bủa, thúc bách. Nay có nhiều trường ĐH, CĐ có nhu cầu được đến trực tiếp các trường THPT để làm công tác tư vấn, tuyển sinh cũng là một cách giúp nhà trường, giáo viên phổ thông một phần nào đó về “lỗ hổng” lớn của hoạt động hướng nghiệp.

Song phải nói cho công bằng, một số trường ĐH, CĐ tư vấn, hướng nghiệp thì ít, quảng bá hình ảnh, ngành nghề của trường mình thì nhiều. Do vậy, các em vẫn còn gặp không ít khó khăn, lúng túng, bối rối trong việc tìm kiếm, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân và để dễ xin việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Mới đây, theo Bản tin cập nhật thị trường lao động vừa được Viện Khoa học-Lao động và Xã hội công bố, trong quý 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2. Nhóm trình độ cao đẳng cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao với 4,88% so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước chỉ 2,21%. Đáng lo ngại trước tình trạng thất nghiệp ở nước ta càng gia tăng, nhất là nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên.  Vậy chúng ta phải làm gì đây?  

Cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp, tuyên truyền trong và ngoài nhà trường để cho các bậc phụ huynh và bản thân các em thấy rằng, việc học lên là chính đáng nhưng đồng thời cũng cần xem xét đến năng lực cá nhân và hoàn cảnh gia đình, để lựa chọn hướng đi cho phù hợp. Ngoài việc tuân thủ theo chương trình giáo dục hướng nghiệp của Bộ GDĐT, mỗi đơn vị THCS, THPT cần liên kết với các Trung tâm dạy nghề, Trường trung cấp nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh... để tổ chức cho các em học sinh THCS, THPT những buổi hội thảo, hoạt động tư vấn, hoạt động tham quan, hoạt động giới thiệu và tuyên truyền nghề... giúp cho học sinh hiểu rõ về khả năng của bản thân và điều kiện gia đình trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp.

Các trường THCS và THPT cần tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 8, 9 và ở cấp THPT để học sinh có nhận thức, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn, đánh giá được khả năng học tập của bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình mình. Muốn công tác này đạt kết quả, ngoài nỗ lực, phương pháp tổ chức, quản lý của nhà trường, rất cần sự đầu tư nguồn kinh phí để tập huấn giáo viên, mua sắm thiết bị, tài liệu, hỗ trợ các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ này.

Cần đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với địa phương và tăng cường hoạt động của các TTGDTX và các trường trung cấp nghề ở các huyện, thành phố để phân luồng học sinh sau THCS và THPT đi theo nhiều hướng khác nhau.

Nhà nước có chính sách khuyến khích cho người học đi vào luồng giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí. Có thể đưa ra những chuẩn ưu tiên cho những học sinh có chứng chỉ đào tạo nghề được vay vốn sản xuất. Lâu nay, chúng ta lại quá ưu tiên cho diện sinh viên học các trường ĐH để vay vốn học tập. Trong khi đó, chúng ta đang cần nguồn lực “thợ” nhiều hơn “thầy” mà lại “bỏ rơi” diện học sinh học nghề thì thật khập khiễng, mâu thuẫn và bất cập.


ĐỖ TẤN NGỌC
 


.