Cần hiểu đúng bản chất của mô hình trường học mới

08:11, 16/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới (gọi tắt là VNEN) đã đem lại những kết quả nhất định, đó là các em được phát triển các kỹ năng, tự tin trong giao tiếp...  Để phát huy kết quả đó, các trường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phải hiểu đúng bản chất của mô hình để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời tuyên truyền, vận động, giải thích để phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung có sự nhìn nhận đúng đắn về mô hình này.

TIN LIÊN QUAN

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Trà cho hay, mô hình trường học mới THCS được triển khai dựa trên định hướng đổi mới đồng bộ cách tiếp cận các thành tố đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tại Quảng Ngãi, mô hình VNEN đã được triển khai từ năm học 2011-2012 ở cấp tiểu học, đến năm học 2015-2016 được triển khai đến lớp 6 cấp THCS.

Dạy và học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS thị trấn Sông Vệ.
Dạy và học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS thị trấn Sông Vệ.


Hiện nay, toàn tỉnh có 15 trường cấp tiểu học và 28 trường cấp THCS dạy học theo mô hình này. Về nội dung, chương trình mô hình VNEN không có gì thay đổi, chỉ thay đổi về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho học sinh.

Qua nhiều năm thực hiện, mô hình VNEN có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng lên.

Như ở Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) năm học 2013-2014, toàn trường chỉ có 807 học sinh thì đến năm học này, toàn trường có đến trên 1.000 em theo học. Ông Trà khẳng định, những hiệu quả do mô hình VNEN đem lại là rất bổ ích. Các em được rèn luyện tốt về mặt kỹ năng, tự tin trong giao tiếp, tự tin đứng trước đám đông và có khả năng phản biện tốt...

Bên cạnh đó, ông Trà cũng cho rằng, việc dạy học theo mô hình VNEN vẫn còn một số bất cập cần được tháo gỡ. Đó là, một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo  sự đồng thuận trong phụ huynh dẫn đến một số phụ huynh lo lắng khi con mình học theo mô hình này.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phần lớn các trường, nhất là ghế ngồi chưa phù hợp để học theo mô hình VNEN. Hơn nữa sĩ số học sinh/lớp quá đông, gây khó khăn trong việc thực hiện mô hình VNEN. Nhiều nơi số học sinh/lớp hơn 40 em, nên giáo viên không thể theo dõi, hướng dẫn cụ thể từng nhóm trong mỗi tiết học. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Ông Trà cho biết thêm, về bản chất khi áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình VNEN là rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số nơi, phương pháp dạy chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục hiện tại, nhất là khi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo, cũng như tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình.

Giải pháp tốt nhất lúc này là cần hiểu rõ bản chất của mô hình giáo dục mới, trên cơ sở đó nghiên cứu ứng dụng những phương pháp hay của VNEN, cùng với phương pháp dạy truyền thống để  phát triển toàn diện cả về tri thức lẫn kỹ năng cho học sinh theo hướng dạy học tích cực.

Bài, ảnh: DUY HÙNG

 


.