Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi: Cô và trò cùng sáng tạo

02:10, 21/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2017-2018, các trường mầm non triển khai chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau sửa đổi, bổ sung chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ GD&ĐT. Nhiều nội dung mới được áp dụng, nhằm tạo sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Tại Trường Mầm non 2/9 (TP.Quảng Ngãi), nhân dịp Tết Trung thu, cô và trẻ cùng nhau trang trí trong lớp học tranh, ảnh múa lân, chú Cuội, chị Hằng... Cô và trẻ cùng nhau vẽ, cắt ghép để tạo nên những chiếc đèn lồng bắt mắt. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hòa, dạy lớp lá B, Trường Mầm non 2/9, cho biết: "Năm học này trường áp dụng chương trình giáo dục mầm non mới sau sửa đổi, bổ sung.

Chương trình sau sửa đổi khuyến khích cô và trò cùng nhau học và làm đồ chơi để vận dụng vào tiết học tiếp theo, thay vì lúc trước chỉ có cô làm việc này. Với sự thay đổi này, giúp cho mỗi trẻ mầm non tiếp cận và thỏa sức sáng tạo theo ý thích của mình".

 Cô và trò Trường Mầm non 2/9 (TP.Quảng Ngãi) cùng sáng tạo trang trí góc học tập, góc vui chơi trong lớp học.
Cô và trò Trường Mầm non 2/9 (TP.Quảng Ngãi) cùng sáng tạo trang trí góc học tập, góc vui chơi trong lớp học.


Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) Phạm Thị Thanh Hà cho biết, trong dịp hè, Sở GD&ĐT đã đưa tất cả giáo viên trực tiếp đứng lớp, các cô cấp dưỡng tham gia lớp tập huấn để nắm bắt kịp thời những đổi mới khi thực hiện chương trình GDMN sau sửa đổi theo Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT; hướng dẫn tổ chức ăn, theo dõi sức khỏe cho trẻ, xây dựng kế hoạch giáo dục cho trẻ ở các độ tuổi, cách trang trí phòng lớp học đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với nội dung, chủ đề giáo dục...

Theo bà Hà, chương trình sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện cho cô và trẻ, phát huy khả năng sáng tạo không chỉ trong giờ học mà còn trong mọi hoạt động ở trường. Cô luôn đổi mới tiết dạy, trẻ tích cực phát huy khả năng thông qua hoạt động khám phá, vui chơi.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non  2/9 Nguyễn Thị Sen nhận định, theo chương trình sau sửa đổi, các trường mầm non, các giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn thời gian, đề tài cũng như cách thức dạy học phù hợp với hứng thú của trẻ và điều kiện cơ sở vật chất của từng lớp.

Cô giáo Lê Thị Bích Thủy (Trường Mầm non Hành Minh, huyện Nghĩa Hành), chia sẻ: "Từ đầu năm học 2017 trường đã bắt đầu triển khai thực hiện chương trình GDMN sau sửa đổi, cô giáo chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ và đặc thù của từng lớp, linh hoạt trong phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục và thiết kế các hoạt động theo sự hứng thú của trẻ, cô cùng các bé làm đồ dùng dạy học, tiết học sau các bé được hoạt động với chính đồ dùng mình làm, giúp bé hứng thú hơn".

Chương trình GDMN có nhiều ưu điểm giúp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chương trình GDMN sau sửa đổi, các cô giáo gặp một số lúng túng trong việc sử dụng từ ngữ khi soạn giáo án, vì chương trình có thay đổi một số cụm từ để phù hợp với hoạt động của từng lứa tuổi. Đồng thời, một số giáo viên lúng túng với việc xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ cho phù hợp với chủ đề, dựa trên kế hoạch của trường, từng cô xây dựng kế hoạch cụ thể cho lớp của mình.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hà, bước đầu triển khai chương trình sau sửa đổi sẽ không tránh khỏi những khó khăn, tuy nhiên cán bộ quản lý và giáo viên các trường cần phải khắc phục để đảm bảo triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Sở GD&ĐT đã tập huấn rất kỹ cho giáo viên về chương trình giáo dục mới này.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN
            
 


.