Thiếu giáo viên cơ hữu trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

02:09, 25/09/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, có một thực tế tồn tại từ lâu vẫn chưa tìm được giải pháp. Đó chính là tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu.

 
Theo Đề án 1956, một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng kí hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải có giáo viên cơ hữu cho từng ngành nghề được tổ chức đào tạo. Nhưng hiện nay, hầu hết các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh, nhiều ngành nghề không có giáo viên cơ hữu nên không được cấp phép đào tạo.
 
Theo kết quả rà soát của Sở LĐ-TB&XH, chỉ có các trường cao đẳng, trung cấp nghề mới đáp ứng điều kiện. Trên địa bàn tỉnh có đến 25 Trung tâm GDNN công lập và ngoài công lập có tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp nhưng thiếu giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo. Thậm chí, có một số Trung tâm GDNN-GDTX còn không thể thực hiện chức năng dạy nghề vì “trắng” giáo viên cơ hữu như ở Tư Nghĩa, Ba Tơ và Minh Long.

 

Hiện một số Trung tâm GDNN-GDTX không có chức năng đào tạo nghề nông thôn vì không có giáo viên hữu cơ
Hiện một số Trung tâm GDNN-GDTX không có chức năng đào tạo nghề nông thôn vì không có giáo viên cơ hữu.
 
Theo quy định, nhiệm vụ của Trung tâm GDNN-GDTX Tư Nghĩa là dạy văn hóa THPT, hướng nghiệp– dạy nghề cho học sinh THCS, THPT và dạy nghề nông thôn. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Trung tâm chỉ thực hiện được hai nhiệm vụ là dạy văn hóa và hướng nghiệp– dạy nghề cho học sinh. Còn nhiệm vụ dạy nghề nông thôn thì không thể thực hiện được.
 
Ông Lê Hoài Phúc-Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Tư Nghĩa lý giải: Về dạy nghề lao động nông thôn thì Trung tâm chưa thể thực hiện vì chưa có giáo viên cơ hữu. Theo quy định của Nghị định 143 phải có giáo viên cơ hữu thì Trung tâm mới được cấp phép và giao chỉ tiêu đào tạo nghề.
 
Còn tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trà Bồng, với 5 giáo viên hữu cơ, chỉ mới được cấp phép đào tạo ở các ngành tin học, điện dân dụng, gò hàn, trồng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn. Mặc dù học kỳ nào cũng có học viên có nguyện vọng đăng ký học ngành xây dựng hay ngành thú y, nhưng hiện trung tâm đang thiếu giáo viên cơ hữu ở 2 ngành ngày nên không được cấp phép đào tạo nghề.
 
Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu ở các trung tâm đã dẫn đến nhiều nghịch lý. Trong đó, có những nghề có giáo viên thì người dân không có nhu cầu, còn những nghề có nhu cầu thì lại thiếu giáo viên.

 

Việc thiếu giáo viên hữu cơ cũng dẫn đến nghịch lý có nghề cần thì thiếu giáo viên, nhưng lại có nghề không có học viên đăng ký thì thừa giáo viên
Việc thiếu giáo viên cơ hữu cũng dẫn đến nghịch lý có nghề có nhu cầu thì thiếu giáo viên, nhưng lại có nghề không có học viên đăng ký thì thừa giáo viên.
 
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sơn Hà có biên chế giáo viên chuyên ngành cơ khí, nhưng nhiều học kỳ liền, ngành cơ khí không tuyển được học viên. Vì vậy, giáo viên cơ hữu của ngành này phải chuyển sang làm công tác tuyển sinh và bảo dưỡng thiết bị.
 
Ngành may công nghiệp tại trung tâm cũng đang chịu chung hoàn cảnh. Từ năm 2014 đến nay, ngành này chỉ mở được 4 lớp trong hai năm 2014-2015. Từ năm 2016 đến nay thì chưa mở được lớp nào vì không có học viên đăng ký học. Hiện hệ thống máy may đầu tư để đào tạo nghề may công nghiệp đành phải "đắp chiếu ”.
 
Ông Đinh Văn Thành- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Hà chia sẻ: Chúng tôi có xưởng may nhưng không có người phụ trách xưởng may. Xuất phát từ thực tế của đơn vị nên đầu năm chúng tôi đã hợp đồng giáo viên dạy may công nghiệp chuyển qua làm công tác tuyển sinh, quản lý lớp.
 
Kế hoạch trong năm 2017 của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sơn Hà là mở 12 lớp dạy nghề lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung tâm chỉ mới mở được 5 lớp. Và cả 5 lớp này đều là dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, không có nghề gò hàn, cơ khí và may công nghiệp.
 
Năm 2016, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp được sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX. Một trong những nguyên tắc sáp nhập là: “Tăng cường năng lực đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; sử dụng có hiệu quả nhân lực, nguồn lực đầu tư của các trung tâm công lập cấp huyện sau khi sáp nhập”.
 
Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế hiện nay tại các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh, do thiếu giáo viên cơ hữu, dường như nguyên tắc này không được đảm bảo.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 

.