Lao động tự do: Thiệt đủ đường

07:09, 27/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, thị trường lao động cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, tỷ lệ lao động tự do (LĐTD) chiếm phần lớn. Những lao động này công việc không ổn định, thu nhập thấp và tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ít được bảo vệ khi không may xảy ra tai nạn trong quá trình làm việc.
 
Nguy cơ rủi ro cao

Để có thu nhập trang trải cuộc sống, hằng ngày anh Hồ Văn Quyền ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) làm nghề bốc vác thuê tại chợ đầu mối nông sản Quảng Ngãi. Anh Quyền làm việc cật lực, không kể nắng, mưa, không có trang thiết bị bảo hộ lao động, không có bảo hiểm để đề phòng khi ốm đau, bất trắc. Anh Quyền cho biết: “Công việc bốc vác bắt đầu từ 12 giờ đêm đến đầu giờ sáng hôm sau.

Lao động tự do hành nghề khuân vác tại chợ đầu mối nông sản.
Lao động tự do hành nghề khuân vác tại chợ đầu mối nông sản.

Trung bình mỗi ngày, tôi bốc 8-10 tấn hàng, tiền công bình quân được 200-300 nghìn đồng". Bốc vác nặng, nên anh Quyền bị thoái hóa cột sống, nhưng anh vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học. "Nhiều lúc làm quá sức, nhưng không làm lấy gì mà sống. Có điều tự mình chịu trách nhiệm với điều kiện làm việc, không có bảo hiểm, nên nếu chẳng may gặp rủi ro thì chẳng biết bấu víu vào đâu", anh Quyền tâm sự.

Đối tượng LĐTD như anh Quyền hiện chiếm tỷ lệ khá lớn. Phần nhiều trong số họ phải làm việc với cường độ lao động cao, trong môi trường độc hại, nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về vệ sinh an toàn lao động. Mặt khác, do không được chủ sử dụng ký kết hợp đồng lao động, nên khi không may xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) thì LĐTD phải tự lo.

Đơn cử như trường hợp của anh Đỗ Đình Tấn ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), làm việc thời vụ tại một công ty dăm gỗ. Đầu năm 2016, trong khi làm việc vào ca đêm, không may anh Tấn bị gỗ keo rơi trúng đầu, bị chấn thương cột sống cổ, dập tủy cổ... Vì là LĐTD, không được chủ sử dụng mua BHYT, nên sau khi tai nạn xảy ra, gia đình anh Tấn vất vả ngược xuôi lo chi phí điều trị. Mặc dù tai nạn xảy ra khi đang lao động, nhưng chủ doanh nghiệp chỉ thanh toán cho gia đình số tiền 30 triệu đồng. Gia đình anh cũng không dám đòi hỏi gì hơn, bởi anh là LĐTD, lương tính theo công nhật, không hợp đồng, nên không có gì ràng buộc trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp.

Cần quan tâm đến lao động tự do

Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc tham gia đóng BHXH tự nguyện, BHYT để đề phòng khi rủi do, ốm đau và đảm bảo cuộc sống khi về già, phần lớn LĐTD đều tỏ ra không mấy “mặn mà”.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) làm công nhân thời vụ tại một công ty thủy sản thuộc Cụm công nghiệp Quảng Phú, cho biết: "Vợ chồng tôi  tự mua BHYT vì cả hai mắc khá nhiều bệnh nghề nghiệp như thấp khớp, thoái hóa cột sống... Cần có BHYT để giảm bớt chi phí khám - chữa bệnh. Còn về BHXH thì tôi không có khả năng, vì tiền kiếm được chẳng đủ chi tiêu lấy đâu ra mà đóng".

 Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh) Nguyễn Công Lý, cho biết: Mặc dù hiện nay số lượng người tham gia BHYT theo hộ gia đình trong toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, nhưng lực lượng LĐTD tham gia BHXH tự nguyện lại rất thấp. Ngoài việc chưa thấy được lợi ích còn có nguyên nhân thu nhập của họ quá thấp, công việc không ổn định, nên việc tham gia BHXH trong khoảng thời gian dài là điều khó thực hiện.

Ngoài đối diện với bệnh tật, TNLĐ, thì LĐTD còn phải đối diện với nhiều khó khăn khác như: Sớm mất sức lao động; bị buộc thôi việc vì đa phần chủ doanh nghiệp, cơ sở chỉ thuê người trẻ, có sức khỏe; hoặc nếu có việc làm thì cũng chỉ được trả công với mức lương thấp. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức, hiểu biết chính sách pháp luật về lao động còn hạn chế, nên khi thương lượng về thời gian, giá cả, điều kiện việc làm,  người LĐTD thường chịu thiệt.

Trước những khó khăn mà LĐTD đang đối mặt, thiết nghĩ, cần có tổ chức đứng ra đại diện quyền lợi cũng như những chính sách hỗ trợ LĐTD, tạo điều kiện để họ được tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp LĐTD nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động...

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.