Đầu tư cho tương lai

03:09, 03/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài.

Phong trào khuyến học, khuyến tài cũng được các hội đoàn thể và người dân tích cực tham gia. Ngoài chính sách thu hút và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đi học trong và ngoài nước, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã kịp thời tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi. Đó là động lực giúp các em nỗ lực vươn lên trong học tập.

Khích lệ phong trào dạy tốt, học tốt

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết, nhờ sự quan tâm của tỉnh và phụ huynh nên chất lượng giáo dục của tỉnh đã từng bước được nâng lên đáng kể. Số lượng học sinh đạt giải các cuộc thi không ngừng tăng. Năm học 2016-2017, Quảng Ngãi có 20 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia (2 giải nhì, 9 giải ba và 9 giải khuyến khích); 5/6 sản phẩm đạt giải cấp toàn quốc Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức... Trong đó có 9 nhà giáo, 24 học sinh đạt từ 2 thành tích cao trở lên trong năm học này.  

Ông bà ngoại của em Nguyễn Hà Quang xúc động khi người cháu có điểm cao trong kỳ thi đại học vừa qua.                                           Ảnh: Đăng Sương
Ông bà ngoại của em Nguyễn Hà Quang xúc động khi người cháu có điểm cao trong kỳ thi đại học vừa qua. Ảnh: Đăng Sương


Việc tuyên dương, khen thưởng những giáo viên, học sinh đạt thành tích cao đã tạo động lực thúc đẩy các thầy cô, học sinh thực hiện có hiệu quả phong trào dạy tốt, học tốt. Em Trần Tùng Lâm- nguyên học sinh lớp 12 Toán 2, Trường THPT chuyên Lê Khiết vinh dự được tuyên dương, khen thưởng khi đạt số điểm 29,1 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đỗ vào Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: Em rất vui khi được vinh danh trong dịp này. Đây là nguồn động lực lớn lao để em tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập. Còn em Lê Nữ Thùy Linh, ở thôn 2, xã Long Hiệp (Minh Long) cũng không giấu được niềm tự hào: Được vinh danh lần này chỉ là bước khởi đầu cho hành trang trong tương lai sau này. Vì vậy, em còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, để không phụ lòng gia đình và thầy cô.

Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Đức Phổ Nguyễn Dũng chia sẻ: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và phụ huynh đã dành cho giáo dục sự quan tâm đặc biệt. Điều đó đã khích lệ nhà trường làm tốt công tác "trồng người". Nhiều năm qua, Trường THPT số 1 Đức Phổ luôn có những học sinh xuất sắc. Như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, trường có em Lê Hữu Thông đạt thủ khoa với hai môn có số điểm cao nhất tỉnh: Vật lý (9,8 điểm), Toán (9,5 điểm). Tổng điểm thi 3 môn xét đại học khối A1 gồm Toán, Lý và Ngoại ngữ là 28,73 điểm. Trường cũng dẫn đầu chất lượng dạy và học trong hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2017 - 2018, trường có số điểm tuyển sinh cao nhất tỉnh.
 

“Ngành giáo dục tỉnh nhà đã từng bước bắt nhịp với cả nước hiện thực hóa các chính sách mà Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị đã đề ra. Ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, đấy là những hạt nhân góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG NGỌC DŨNG

Vang danh đến mai sau

Về làng Thi Phổ Nhất xưa - nay là  thôn 1 đến thôn 5 của xã Đức Tân (Mộ Đức), chúng tôi cảm nhận được sự yên bình và gần gũi. Đi dọc cánh đồng lúa xanh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Tân Lê Đức Thiết đưa tôi đến nhà em Nguyễn Hà Quang là thủ khoa khối A của tỉnh ở kỳ thi THPT vừa rồi (đạt 29,25 điểm), đỗ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bà Trần Thị Xuân Lan (76 tuổi)- bà ngoại của Quang không giấu niềm tự hào: Cháu Quang mồ côi mẹ từ lúc 19 tháng tuổi. Ba cháu đi lập nghiệp và có gia đình mới, nên cháu ở với ông bà ngoại, nhưng rất chăm ngoan, học giỏi.

Còn gia đình ông Đỗ Xuân Phúc (50 tuổi) cũng ở thôn 4, sống trong căn nhà đơn sơ, nhưng bằng khen, giấy khen thì nhiều vô kể. Để các con mình theo đuổi ước mơ, ông Phúc ở nhà làm nông, còn bà Trần Thị Bé (vợ ông Phúc) vào TP.Hồ Chí Minh bán chổi. Thấu hiểu tấm lòng của bố mẹ, cả 4 người con đều cố gắng học giỏi. Người con gái đầu là Đỗ Thị Kim Anh vừa mới tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế với tấm bằng loại giỏi và hiện đang làm chuyên viên tư vấn luật ở Ngân hàng Sacombank. Em Đỗ Thị Ngọc Anh hiện đang là sinh viên năm 4 Học viện Hành chính Quốc gia, hai em học phổ thông cũng đều đạt học sinh giỏi.

Thương ba mẹ vất vả, chị em Đỗ Thị Minh Ánh (con ông Phúc) luôn cố gắng học giỏi.                                        Ảnh: Đăng Sương
Thương ba mẹ vất vả, chị em Đỗ Thị Minh Ánh (con ông Phúc) luôn cố gắng học giỏi. Ảnh: Đăng Sương


Điều đáng mừng là, những người con của quê hương Đức Tân sau khi học xong, thành đạt luôn tìm về quê hương đóng góp tiếp bước cho các em học sinh nghèo đến trường. Anh Trần Văn Kha (44 tuổi) ở thôn 1, đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều năm qua anh đã âm thầm đóng góp hàng trăm triệu đồng vào sự nghiệp khuyến học khuyến tài của địa phương. Anh còn hỗ trợ 100 triệu đồng xây trường mầm non và khoảng 70 triệu đồng xây dựng đường bê tông nông thôn, cổng chào của thôn 1.


PHƯƠNG- HẠ- SƯƠNG

 


.