Vượt lên nghịch cảnh

03:08, 22/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cảnh nhà cơ cực, không cha, mẹ lại bị khuyết tật vận động, thế nhưng suốt 12 năm qua chưa bao giờ em Nguyễn Ngọc Hiền ở thôn Thạch Nội, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) bỏ cuộc. Ý chí vượt khó trong học tập đã giúp em đủ điểm vào trường đại học.

TIN LIÊN QUAN

Căn nhà nhỏ của gia đình em Hiền lọt thỏm giữa rừng keo. Từ ngôi Trường THPT Ba Gia em theo học đến nhà em phải hơn 12km, thế nhưng suốt những năm phổ thông, ngày nắng cũng như ngày mưa, trên chiếc xe đạp cà tàng chưa một ngày nào em nghỉ học.

Mẹ của Hiền bị khuyết tật vận động nên mọi việc nặng nhọc trong nhà, Hiền đều thay mẹ gánh vác.
Mẹ của Hiền bị khuyết tật vận động nên mọi việc nặng nhọc trong nhà, Hiền đều thay mẹ gánh vác.


Từ lúc sinh ra, em đã thiếu tình yêu thương của cha; mẹ thì khuyết tật vận động, bàn chân phải bị dị dạng không thể lao động và đi lại như người bình thường. Trụ cột của gia đình em là ông ngoại đã trên 80 tuổi, năm 2014, vì già yếu, ông đã ra đi để lại hai mẹ con em cùng nhau nương tựa. Lúc ông mất, Hiền cũng vừa vào cấp 3, thế nhưng thay vì yếu đuối, buông bỏ việc học, em lại bản lĩnh, mạnh mẽ hơn để làm điểm tựa cho mẹ và cho chính bản thân mình.

Trong căn nhà cũ, những mảng tường ố màu, chẳng vật gì có giá trị, nhưng sáng lên ở một góc tường là những tấm giấy khen của Hiền. Hiền thủ thỉ: “Căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2 này cũng một phần nhờ Nhà nước hỗ trợ mới xây được, còn ông ngoại có ba người con gái, mẹ em và dì hai cũng bị đau ốm, không có chồng, dì còn lại thì làm ăn ở xa, nhưng cũng rất khó khăn. Từ lúc nhỏ, em đã biết gia đình mình rất nghèo rồi, nên dặn lòng luôn cố gắng học và đỡ đần công việc cho mẹ”.  

Nhà có 1 sào ruộng, 1 sào đất thổ, Hiền cũng là người gánh vác giúp mẹ chuyện đồng áng. Vào những ngày mùa, tranh thủ những giờ rảnh rỗi, không có tiết học, Hiền chở mẹ ra đồng, mẹ làm việc nhẹ như gieo hạt, cắt rau, còn Hiền thì cuốc, xới đất, khiêng vác giúp mẹ những thứ nặng nhọc. Nhờ có sự giúp sức của Hiền mà trong nhà có gạo, có rau để ăn, bớt đi một phần chi phí sinh hoạt.

Cách đây một tuần, Hiền nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Đà Nẵng với số điểm 19,25. Ngày nhận được giấy báo, mẹ Hiền là người vui nhất, bởi từ trước đến nay, mấy chị em của cô chỉ học đến lớp 2, lớp 3 nào ngờ đứa con trai lại vào được đại học. Chị Nga- mẹ của Hiền rưng rưng, nói: Lúc nhận được giấy báo, lòng tôi cứ nôn nao, cả mấy ngày không ngủ được. Vui thì vui đó, nhưng cũng lo quá. Ở quê, hai mẹ con ăn uống gói ghém thì được, chứ ra nơi xứ người, cái gì cũng tiền thì biết làm sao bây giờ. Chân tôi lại bị tật thế này, việc gì nhẹ, ít di chuyển mới làm được. Giờ không biết phải xoay xở thế nào nữa”.

Ngày Hiền vừa thi xong, chị Nga cũng đã thử lặn lội ra Đà Nẵng bán vé số hòng mong kiếm chút tiền nếu Hiền thi đậu còn có tiền mà thuê phòng, mua quần áo, sách vở... Thế nhưng, bán được vài ngày, thì chân của chị co thắt, đau dữ dội, nên đành phải quay về quê. Ngày 22.8  là ngày Hiền nhập học, nhưng trong nhà chẳng có tiền, ở nơi xứ người cũng chẳng có họ hàng, bà con để giúp đỡ. Một cánh cửa màu hồng mở ra, cánh cửa đại học bao nhiêu người mơ ước, nhưng đối với Hiền- cậu bé 18 tuổi này là bắt đầu một hành trình đầy thử thách và khó nhọc. Thế nhưng, Hiền vẫn khẳng định chắc nịch: Em sẽ không bao giờ từ bỏ giảng đường đại học.

Bài, ảnh: H.THU
 


.