Giỏi cũng rớt

02:08, 10/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thực tế đang diễn ra trong kỳ xét tuyển đại học năm nay. Có tổng điểm 29,25 cũng rớt khỏi ngôi trường mà thí sinh ấy muốn theo học thì thật là điều khó tin. Vì với điểm số gần như tuyệt đối như vậy, tức hai điểm 10 một điểm 9,25 thì gần như khó có thể rớt bất cứ trường nào. Ấy vậy mà, thí sinh vẫn cứ rớt thì lạ quá! Có điều gì đó “khó hiểu” trong việc ra đề, cách xét tuyển hoặc ở một lỗi nào đó mà nhiều bậc phụ huynh sẽ không tài nào hiểu được.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam chung quanh kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói đây là kỳ tuyển sinh đỡ rắc rối nhất và đã mang lại kết quả khả quan, vì trên 100 trường đã tuyển đủ ngay đợt xét tuyển lần thứ nhất. Đánh giá về việc 30 điểm cũng có thể bị trượt nguyện vọng 1, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói rằng, đây chỉ là trường hợp hãn hữu chứ không phổ biến. Cần nhìn vào đại cục để đánh giá sự việc.

Có thể 29,25 điểm hoặc 30 điểm cũng bị trượt nguyện vọng 1 là chuyện hy hữu như ông Ga đánh giá, song cũng cần phải nhìn nhận vào thực tế là đang có những bất cập trong xét tuyển cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ một vài ngành của Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn là 30, nhưng có những thí sinh 30 điểm vẫn trượt, trái lại có em 29 điểm lại đỗ, vì thí sinh ấy có điểm ưu tiên.

Một điều dễ nhận thấy của kỳ tuyển sinh đại học năm nay nữa, đó là cách chọn ngành nghề của thí sinh. Các trường lấy điểm chuẩn cao nhất lại rơi vào ngành công an, quân đội và y dược. Y dược thì lâu nay vẫn vậy, nhưng các trường thuộc hệ công an và quân đội mà những thí sinh ưu tú nhất nộp đơn ứng thí thì đó là hiện tượng lạ. Được học những trường này, cha mẹ đỡ lo học phí, được Nhà nước bao cấp gần như toàn bộ, có việc ngay sau khi ra trường, lương lại tương đối cao... Đó là những lý do để thí sinh chọn lựa.

Qua đó cũng thấy rằng, các ngành mang tính then chốt, quyết định đến sự phát triển của đất nước lại không chọn được nhiều người tài. Dĩ nhiên “tài” ở đây chỉ dựa trên số điểm mà thí sinh đang có. Thế thì rất khó để có nguồn đào tạo những nhân tài sau này ra gánh vác đất nước. Dĩ nhiên, bên lực lượng vũ trang cũng cần người tài, nhưng cũng không nên dồn hết những thí sinh ưu tú nhất của một kỳ xét tuyển vào ngành công an và quân đội, mà “bỏ quên” các ngành thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Điều thật sự lo ngại nữa là, ngành sư phạm, một ngành được xem như chiếc “máy cái” trong guồng máy của xã hội thì điểm chuẩn lại quá thấp. Chỉ cần trên 12 điểm là có thể trở thành giáo viên trong tương lai. Một ngành được giao sứ mệnh đào tạo ra nhân tài cho đất nước, nhưng đầu vào lại quá thấp như thế thì sẽ rất khó để có những giáo viên giỏi. Dĩ nhiên, các em 29-30 điểm mà trượt nguyện vọng 1 thì đăng ký vào các trường tốp dưới cũng khá dễ dàng, song có lẽ rất ít thí sinh chọn ngành sư phạm. Đó là một thực tế đáng buồn cho nền giáo dục nước nhà.


  TRẦN ĐĂNG
 


.