Đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần phù hợp với thực tế

02:05, 24/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật (NKT) là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn. Không chỉ trao “cần câu” để NKT có nguồn thu nhập, mà qua đó còn góp phần tạo tâm lý lạc quan, vươn lên trong cuộc sống để họ hòa nhập với xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, số NKT được học nghề hiện nay còn ít so với nhu cầu và số NKT tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp. Vì thế, việc đào tạo và giải quyết việc làm cần được quan tâm và phù hợp với những NKT.

Những tín hiệu tích cực

“Nhờ có việc làm chổi này, em cảm thấy vui vẻ, phấn khởi hơn nhiều”, đó là chia sẻ của Võ Chí Thông (sinh năm 1996) ở xã Bình Tân (Bình Sơn). Nhiều năm, vì chậm phát triển trí tuệ, nên Thông chỉ quanh quẩn ở nhà và làm những việc nhỏ phụ gia đình. Sau khi biết Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) đào tạo nghề cho NKT, gia đình đăng ký cho Thông học. Ban đầu, buổi sáng Thông học may công nghiệp, buổi chiều học làm chổi.

Thời gian qua, người khuyết tật được tiếp cận với nhiều ngành nghề đào tạo, tăng cơ hội tìm việc làm sau này.
Thời gian qua, người khuyết tật được tiếp cận với nhiều ngành nghề đào tạo, tăng cơ hội tìm việc làm sau này.


“Sau một thời gian, Trung tâm nhận thấy Thông phù hợp với nghề làm chổi, có khả năng thực hiện công việc, nên đã tiếp nhận Thông vào làm. Ngoài trường hợp của Thông, Trung tâm còn tiếp nhận thêm hai em khiếm thính làm hoa, thêu và hỗ trợ các công việc tại nội trú. Các em được nhận lương hằng tháng, có chỗ ăn, ngủ, đóng các chế độ bảo hiểm theo quy định”, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn Trần Thị Thu Thủy, cho biết.

Tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, cùng với các lớp may công nghiệp, trung tâm còn đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ như làm hoa voan, hoa cườm, hoa giấy, thêu tranh, thêu vải, làm chổi, trồng rau và photoshop. “Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp, ngành, nhận thức của cộng đồng được nâng cao, nhiều tấm lòng rộng mở đối với những người kém may mắn.

Ngành nghề đào tạo đa dạng, phù hợp với khả năng và thực tế tạo cơ hội cho NKT được thử sức, rèn luyện nhiều hơn”, bà Thủy cho hay. Trong đó, nghề may công nghiệp được xem là nghề chủ lực đối với trẻ khiếm thính, đã góp phần tạo việc làm cho nhiều trường hợp. “Hiện nay, một số trường mầm non đã đặt hàng Trung tâm thêu gối, bảng tên. Bên cạnh đó, Trung tâm có đặt hai ki-ốt tại chợ Quảng Ngãi, nhằm giúp trẻ khuyết tật giới thiệu một số sản phẩm do chính các em làm ra như tranh thêu, hoa giả, chổi và một số sản phẩm may mặc đơn giản như tạp dề, khẩu trang, quai nón...”, bà Thủy cho biết thêm.

Cần tạo nhiều cơ hội cho NKT

Ông Huỳnh Việt Hùng - Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, NKT được hỗ trợ chi phí đào tạo 6 triệu đồng/học viên. Bên cạnh đó, NKT còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học và tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.

Theo thống kê, giai đoạn  2011-2016, có khoảng 307 NKT trong tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề. Riêng năm 2016, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đã đào tạo cho 64 NKT, trong đó có việc làm 26 người và 38 người tự tạo việc làm. Đây là con số quá ít so với số NKT trên địa bàn tỉnh (hơn 50 nghìn NKT, chiếm gần 4% dân số-PV).

Để tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho NKT được học nghề và có việc làm, theo ông Hùng, rất cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành liên quan. Trong đó, chú trọng tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để NKT có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách. Xây dựng và biên soạn các chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với NKT, vì hiện nay từ chương trình đào tạo nghề chung, giáo viên phải tự xây dựng riêng giáo án giảng dạy. Các đơn vị đào tạo chủ động phối hợp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng tham gia đào tạo, để giúp NKT tìm được việc làm.


Bài, ảnh: HUỲNH THẢO  

 


.