XKLĐ thị trường chất lượng cao: Hướng đi bền vững cho người lao động

07:03, 19/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các thị trường chất lượng cao mà cuộc sống của nhiều gia đình trong tỉnh ngày càng khấm khá, sung túc. XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc đang được nhiều lao động lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.

Cuộc sống trở nên khấm khá

Năm 2012, ông Lê Long Bốn ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ) đã mạnh dạn nộp hồ sơ cho cậu con trai đầu sang lao động nghề biển ở Hàn Quốc. Ông Bốn cho biết, năm đó gia đình đã bán chiếc thuyền để có tiền cho con trai sang nước ngoài làm việc 3 năm. Con trai của ông có kinh nghiệm đi biển và rất cần cù, nên làm được việc, được chủ thuyền ở Hàn Quốc xin gia hạn visa thêm 2 năm.

Năm nay là năm thứ năm, Thiện - con trai của ông Bốn làm việc tại Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng, Thiện gửi về cho gia đình từ 15-20 triệu đồng. Sau khi thấy người con trai lớn thích nghi và làm việc tốt ở Hàn Quốc, năm 2015 ông Bốn tiếp tục cho người con trai út sang Hàn Quốc làm nghề  biển.

Kinh tế khá giả từ nguồn vốn XKLĐ, hiện tại anh Vinh có điều kiện chăm lo cho các con học hành tốt hơn.                   ảnh: Hiền Thu
Kinh tế khá giả từ nguồn vốn XKLĐ, hiện tại anh Vinh có điều kiện chăm lo cho các con học hành tốt hơn. ảnh: Hiền Thu


Nhờ nguồn thu nhập của hai con trai đang đi XKLĐ, gia đình ông Bốn đã thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa, kinh tế gia đình trở nên khấm khá. Ông Bốn phấn khởi cho hay: “Gia đình cất được căn nhà rộng lớn, cũng là nhờ tiền XKLĐ của anh em nó. Giữa năm nay, thằng lớn hết hạn lao động sẽ về đây ở luôn với vợ chồng tôi".

Là một trong những người đầu tiên ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) sang Nhật Bản lao động, giờ đây anh Võ Quang Vinh, ở thôn Thạch Bi 2 đã có một cơ ngơi bề thế mà nhiều người mong ước. Anh Vinh chia sẻ: "Sau 3 năm ở bên Nhật tích cực làm việc, tôi tích cóp được một số vốn kha khá. Nhờ đó sau khi trở về tôi có vốn mở tiệm photocopy và buôn bán gạo. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn”.
 

UBND tỉnh vừa giao chỉ tiêu XKLĐ năm 2017 là 1.700 lao động, với chủ trương tập trung vào các thị trường lao động chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.  Từ đầu năm đến nay, thông qua các sàn giao dịch việc làm tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh, đã có trên 160 lao động đăng ký tham gia XKLĐ, trong đó có 34 lao động ở các huyện miền núi.

Khai thác thị trường thu nhập cao

Gia đình ông Bốn, anh Vinh là hai trong số hàng trăm gia đình có thu nhập khá từ XKLĐ ở huyện Đức Phổ. Trung bình mỗi năm huyện Đức Phổ có từ 150-200 người XKLĐ, chủ yếu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với các ngành nghề như: Lao động biển, cơ khí, điện, xây dựng... Chỉ sau 3 năm đi XKLĐ, nhiều người mang về số tiền từ 1-2 tỷ đồng, thay vì vài chục triệu đồng/năm khi lao động tại quê nhà.

Không chỉ ở đồng bằng, ở địa phương vùng cao trong tỉnh ta cũng có nhiều lao động tham gia XKLĐ ở các thị trường chất lượng cao. Ông Đinh Tiến Trà, ở thôn Sơn Thành, xã Trà Sơn (Trà Bồng) có 2 con trai hiện đang làm việc tại thị trường Nhật Bản. Các con của ông Trà đều tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, nhưng không tìm được việc làm. “Học xong CĐ, ĐH nhưng không có việc, tôi đánh bạo cho cả hai đứa đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Hai cháu có được việc làm và thu nhập rất khá”, ông Trà hồ hởi cho biết. Dù chỉ mới sang Nhật Bản làm việc từ tháng 6.2016, nhưng hai người con của ông Trà đã gửi về cho gia đình 45-50 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, bên cạnh các nước truyền thống, ngành LĐ-TB&XH tập trung khai thác thị trường mới uy tín, thu nhập cao. Bởi vậy, số người đi làm việc ở nước ngoài tuy giảm so với trước, nhưng chất lượng, trình độ tay nghề được nâng lên, mang đến thu nhập cao, tạo yếu tố bền vững cho người tham gia XKLĐ. Điều này phù hợp với xu thế của thị trường XKLĐ hiện nay. Đồng thời, lao động muốn đến những nước có môi trường tốt, thu nhập cao thì phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe khi tuyển dụng, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và kỷ luật làm việc.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên cho biết, năm nay có thêm thị trường Bồ Đào Nha với nghề hái và chăm sóc nho có thu nhập cao, nghề này phù hợp với đối tượng lao động phổ thông ở các huyện vùng cao, nên trung tâm sẽ tư vấn cho các huyện miền núi tập trung tuyên truyền về thị trường này.

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan, các huyện, thành phố đề xuất thêm cơ chế phù hợp để lao động được hỗ trợ kinh phí hoặc tiếp cận vốn vay ưu đãi, để có cơ hội tham gia vào các thị trường chất lượng.

VŨ YẾN - HIỀN THU


 


.