Du học có là thiên đường?

06:10, 31/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Chuyện du học dường như đã không còn dành cho những bạn trẻ tài năng, bản lĩnh mà thay vào đó là thiên đường, là phao cứu sinh cho con của không ít gia đình khá giả, sính ngoại.

TIN LIÊN QUAN

Giấc mơ dang dở


Sắm vai một người có nhu cầu cho người thân đi du học, tôi quen hai bạn trẻ là anh em sinh đôi Hùng và Hưng, quê ở huyện Sơn Tịnh. Thật bất ngờ khi tận mắt chứng kiến hai bạn đang làm quần quật như những công nhân thực thụ tại xưởng gỗ chỉ sau 1 năm đến đất nước được mệnh danh là đảo quốc xinh đẹp và sạch sẽ nhất thế giới Singapore du học.

Trầm ngâm một hồi, hai chàng trai 21 tuổi vẫn chưa hết “rùng mình” kể về con đường du học đứt quãng không trải đầy hoa hồng mà đầy rẫy chông gai, tiêu tốn gần 800 triệu đồng của mình.

Hai năm trước, học hết THPT, trong khi các bạn cùng trang lứa lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học thì chàng trai “thoát” được mùa tuyển sinh đại học bằng con đường du học tự túc, với ước mơ sẽ giúp bố mẹ mở mày mở mặt.
 

Du học
Du học -hành trình trải nghiệm và trưởng thành. Ảnh: Internet


Vốn là con nhà khá giả, được bố mẹ chiều chuộng, nên trước khi đi du học, bố mẹ dặn hai con không phải lo nghĩ gì về nguồn tài chính. Thế là, hai anh em xách va ly lên đường với ước ao mở mang tầm mắt.

Nhưng chỉ một tháng sau, những cuộc gọi điện về nhà bắt đầu xen lẫn tiếng khóc. Họ cô đơn, lạc lõng, từ đồ ăn không hợp khẩu vị, đến việc không tiếp thu được các bài giản,g vì vốn tiếng Anh kém cỏi, nghe như “vịt nghe sấm”, rồi 5 du học sinh phải sống chung trong căn nhà chưa đầy 15m2, nhưng chẳng biết trò chuyện cùng ai vì nói tiếng Việt chẳng ai hiểu…

Lần nào hai anh em than vãn, đều bị bố mẹ quát “Bố mẹ đã bỏ ra biết bao nhiều tiền, tụi bây liệu hồn đấy!”. Dần dà, họ cũng chẳng dám than thân trách phận cho đến học kỳ thứ 2, mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát khi không thể tiếp tục cuộc sống của một du học sinh và họ quyết định bỏ học về nước trước sự ngỡ ngàng, thất vọng của gia đình.

“Nghe mọi người nói ở nước ngoài đầu vào dễ thì đầu ra cũng không khó nên mình tự tin ra đi, ai ngờ gặp quá nhiều rào cản. Du học có lẽ là quyết định sai lầm của tụi em khi sức học trung bình”. Đó là lời tâm sự của Hùng.

Thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết: “Du học là một thử thách vốn hoàn toàn không phải là một chuyện đơn giản, cần có hoài bão, ý chí và khát vọng nghề nghiệp. Bạn sẽ gặp phải rất nhiều rào cản và khó khăn, vì thế cần phải chuẩn bị nền tảng kiến thức, ngôn ngữ và tâm lý thật tốt trước khi quyết định tương lai cho mình”.

Đến giờ, khi đã lấy lại phần nào thăng bằng, hai bạn không ngần ngại phụ giúp bố mẹ từ những công việc lặt vặt tại xưởng gỗ và đang tích cực ôn tập để dự thi đại học trong nước vào năm tới.

Du học không là màu hồng

Du học là ra nước ngoài để tiếp cận với kiến thức hiện đại, hành trình trải nghiệm và trưởng thành, là ước mơ chính đáng của những bạn trẻ tài năng, bản lĩnh.

Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, đầu vào đại học rất dễ nhưng để có được tấm bằng tốt nghiệp thì vô cùng khó. Thế mà, nghịch lý đang trở thành mốt của những gia đình sính ngoại.

Các bạn trẻ con nhà giàu, xem du học là phao cứu sinh cho mình. Không học được ở Việt Nam thì sẽ học ở nước ngoài “oai” hơn hoặc cũng có bạn trẻ ngỗ ngược bị phụ huynh “tống” sang nước ngoài để tự lập… để rồi hẫng hụt bỏ học hoặc bị trục xuất về nước vì suy nghĩ sai lầm.

Một con số thống kê được công bố, chỉ có 10% sinh viên đi du học bằng các nguồn học bổng toàn phần, bán phần học phí, số còn lại bằng kinh phí tự túc. Nghĩa là 90% trong số ấy phải tự trang trải cho những năm tháng học tập trên đất khách.

 

Để hòa nhập,
Để hòa nhập với cuộc sống tại một xứ sở khác đó là chuyện không dễ.

 

Với những gia đình điều kiện tốt thì một xuất đi du học tự túc là không khó, tuy nhiên để thích nghi, hòa nhập, bắt nhịp được với cuộc sống tại một xứ sở khác đó là chuyện không dễ.

Khánh- một du học sinh đang theo học tại “đất nước vạn hồ”- Phần Lan chia sẻ: “Cuộc sống hiện thực của du học sinh không chỉ là màu hồng. Thậm chí ngay cả những bạn có gia đình khá giả, được chu cấp đầy đủ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn”.

Chi phí đắt đỏ cũng là trở ngại lớn với du học sinh đi bằng học bổng toàn phần, bán phần chỉ là nguồn miễn học phí, còn chi phí ăn ở sinh hoạt hoàn toàn tự túc. Với những sinh viên đi bằng nguồn tự túc thì chi phí quy ra tiền Việt Nam phải chi mỗi năm trên dưới 500 triệu đồng.

Để “trụ” được, Khánh phải chạy ngược chạy xuôi làm thêm mới cho tiền phụ bố mẹ trang trải cuộc sống với chi phí đắt đỏ. Bắt đầu ngày mới với Khánh là đẩy xe báo đi giao trong tiết trời lạnh đến thấu xương, băng tuyết phủ kín đường đi; trưa lại làm phục vụ cho một quán nước ép trái cây.

Sau 2 năm du học tại Phần Lan, Khánh cho biết, phần lớn du học sinh Việt qua đây đều phải chạy ngược chạy xuôi làm thêm. Chuyện sinh viên đến giảng đường ngủ gật, kiến thức thu vào chẳng được là bao vì làm thêm quá nhiều là chuyện thường. Không ít trường hợp bỏ cuộc giữa chừng, vì không thể cán đáng được hay vì trục xuất vì phải học lại.
 

Bài, ảnh: C. Phong

 


.