Dè dặt triển khai chương trình VNEN

10:08, 19/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở vật chất của nhiều trường ở TP.Quảng Ngãi chưa đủ điều kiện để triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Vì thế, ngành giáo dục thành phố chỉ triển khai mô hình này ở Trường Tiểu học Nghĩa Chánh và THCS Nghĩa Chánh.

TIN LIÊN QUAN

Năm học mới 2016 – 2017 đã cận kề nên những ngày này, BGH Trường THCS Nghĩa Chánh phải tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai chương trình VNEN trong năm học này. Bà Trần Thị Thanh Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là năm thứ hai trường thực hiện mô hình.

Năm học trước, khi bước vào năm học nhưng thầy cô vẫn chưa có sách để dạy. Hơn một tuần sau có sách thì thầy cô và học sinh đều bỡ ngỡ với một lượng kiến thức quá lớn, phương pháp dạy học hoàn toàn mới. Phương pháp tích hợp một số bộ môn tự nhiên cũng gây lúng túng cho giáo viên.

Ban Giám hiệu Trường THCS Nghĩa Chánh họp bàn triển khai chương trình VNEN trong năm học 2016-2017.
Ban Giám hiệu Trường THCS Nghĩa Chánh họp bàn triển khai chương trình VNEN trong năm học 2016-2017.


Theo cách dạy truyền thống, mỗi thầy cô dạy mỗi môn riêng biệt, nhưng dạy theo chương trình VNEN, có những phần liên quan buộc giáo viên đảm nhận tiết dạy phải kết hợp để lên lớp. Vì thế, mỗi thầy cô giáo phải nỗ lực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để thực hiện. “Kết thúc năm học, chất lượng học của học sinh vẫn được duy trì như các năm trước. Học sinh tự tin, mạnh dạn thảo luận, bày tỏ quan điểm của mình trong hoạt động nhóm; phát huy được khả năng tự chủ trong học tập…”, cô giáo Nguyễn Thị Phước Quỳnh, nhận định.

Theo giáo viên Trường THCS Nghĩa Chánh, dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên không phải soạn giáo án. Tài liệu cơ bản đã biên soạn sẵn các hoạt động trong một giờ học, từ xác định mục tiêu bài học, khởi động đến hoạt động cơ bản, thực hành... Tuy nhiên, để giờ học có chất lượng, giáo viên dựa vào tài liệu là chưa đủ, mà cần phải tìm hiểu nhiều thông tin, chuẩn bị nhiều tư liệu để trao đổi với học sinh.

Trong khi, thời gian chỉ đủ để hướng dẫn cho các em lĩnh hội kiến thức cơ bản theo phương pháp mới. Khi các em về nhà, phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn thêm cho con em, vì không tiếp cận được với phương pháp giảng dạy mới.

Bà Phạm Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Chánh, phân tích: Thực hiện chương trình VNEN, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn, nhưng lớp học quá đông nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Chẳng hạn như năm học 2015 – 2016, Trường THCS Nghĩa Chánh thực hiện ở 4 lớp khối 6, với 150 học sinh. Trong một lớp học có hơn 35 học sinh, phân thành nhiều nhóm, trong khi quỹ thời gian tiết học không đủ để giáo viên hướng dẫn cho từng nhóm học.

 Ông Thái Phan Thành-Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố, cho biết, ngoài những bất cập từ phụ huynh, học sinh và giáo viên khi thực hiện mô hình VNEN, cơ sở vật chất trường lớp học ở thành phố cũng chưa đủ điều kiện để triển khai mô hình. Trong khi mô hình VNEN buộc học sinh phải học nhóm, trong khi việc sắp xếp bàn ghế thì theo phương pháp dạy truyền thống. Hơn nữa tiêu chuẩn học mô hình VNEN là ghế xoay để khi học sinh thảo luận, học nhóm không phải quẹo cổ, lưng để trao đổi, trong khi bàn ghế ở các trường là bàn gỗ, cố định.

Giáo viên giảng dạy còn lúng túng trong nhận xét, đánh giá, nên chưa thúc đẩy học sinh phấn đấu học tập, dẫn đến chất lượng học tập chưa cao. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ mô hình thực hiện đã dừng trong năm học 2016 – 2017. Vì vậy, TP chọn phương án không triển khai rộng mô hình này, chỉ tập trung thực hiện điểm ở Trường Tiểu học và THCS Nghĩa Chánh.
 

Bài,ảnh: MAI HẠ
 


.