Dạy tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục: Nhân rộng ở nhiều trường học

07:09, 09/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một năm triển khai thực hiện dạy thí điểm tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, năm học này Sở GD&ĐT nhân rộng ra nhiều trường học trong tỉnh nhằm tiến tới lộ trình thay đổi sách giáo khoa vào năm học 2018- 2019.

TIN LIÊN QUAN

Trên 50% trường tiểu học tham gia

Ông Đặng Phiên-Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) nhận định: “Qua một năm thực hiện, việc dạy tiếng Việt lớp 1 giáo dục công nghệ đã đem đến những kết quả bước đầu. HS tiếp thu vững chắc kiến thức, viết đúng chính tả đạt tỷ lệ cao hơn so với chương trình cũ”.  Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 58 trường giảng dạy tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục với trên 4.000 HS. Năm học 2015-2016, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thực hiện nhân rộng và có 123 trường với 10.600 HS tham gia (chiếm trên 50% tổng số HS lớp 1 trong toàn tỉnh). Đặc biệt, các huyện miền núi cũng hưởng ứng mạnh mẽ việc giảng dạy tiếng Việt lớp 1 giáo dục công nghệ. Điển hình như huyện Minh Long có 100% HS lớp 1 tham gia. Các huyện còn lại như Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ có trên 50% HS lớp 1 học tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.

 

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Sơn Thủy (Sơn Hà) làm quen với chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Sơn Thủy (Sơn Hà) làm quen với chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục.


Nghĩa Hành là huyện tiên phong trong giảng dạy tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục với 100% trường tiểu học tham gia từ năm đầu tiên thực hiện (năm học 2014-2015). Ông Võ Duy Tân- Chuyên viên phụ trách bậc tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành cho biết, nếu giáo viên cố gắng, cùng với sự quan tâm của phụ huynh thì việc áp dụng tài liệu mới sẽ đem lại những kết quả cao. “Qua khảo sát kết quả của năm đầu thực hiện, đa số các em đọc bài trôi chảy hơn và hạn chế được lỗi chính tả. Tuy nhiên phụ huynh chưa nắm bắt được sách công nghệ nên không thể hướng dẫn cho con em. Các bậc phụ huynh cần có sự phối hợp với giáo viên để được hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Tân nói.

Đây là năm đầu tiên huyện miền núi Sơn Hà thực hiện dạy theo chương trình tiếng Việt lớp 1 giáo dục công nghệ, với 7 trường tham gia. Tuy nhiên, đến nay cơ sở vật chất của một số điểm trường lẻ không đảm bảo cho việc học 2 buổi/ngày như điểm trường Gò Da, Xóm Lóc thuộc Trường Tiểu học Sơn Hạ 2; điểm trường Đèo Rơm thuộc Trường Tiểu học Sơn Hạ 1; điểm trường Làng Dầu thuộc Trường Tiểu học số 1 thị trấn Di Lăng… Anh Lê Văn Nghĩa- Chuyên viên phụ trách bậc tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà, cho biết: Sau hơn 3 tuần thực hiện, các giáo viên đã cơ bản làm quen với cách dạy mới. Qua khảo sát ban đầu, nhìn chung học sinh rất thích thú với tiết học tiếng Việt.

Cần sự hỗ trợ của phụ huynh

Cô giáo Nguyễn Thùy Trúc- Giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học số 2, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), cho biết: Chương trình đòi hỏi giáo viên phải dạy “chắc”, trong khi đó, các em HS người đồng bào thì khả năng nghe tiếng Việt đối với các em còn khó khăn, trình độ nhận thức của cả lớp không đồng đều. Hơn nữa, nhiều em đã được phụ huynh dạy chữ trước khi bước vào lớp 1 theo cách học cũ. Điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho các cháu khi phải học trên lớp khác hoàn toàn với những gì các cháu đã được phụ huynh dạy trước đó. “Ngay từ đầu năm, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên đã phổ biến với phụ huynh về cách học mới. Nhờ vậy, các bậc phụ huynh đã tham gia hỗ trợ cho con em nên giáo viên cũng đỡ vất vả”, cô giáo Nguyễn Thùy Trúc chia sẻ.   

Trong những năm gần đây, các bậc phụ huynh ở miền núi đã quan tâm hơn đến việc học của con em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chị Đinh Thị Oách, phụ huynh cháu Đinh Sang Thành Lợi (HS lớp 1B, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng) tâm sự: “Mình thấy chương trình mới khó hơn so với chương trình cũ. Tuy nhiên nhờ được giáo viên hướng dẫn trước nên mình cũng dần tiếp cận và tin tưởng với chương trình mới sẽ mang lại lợi ích cho con”.

Không chỉ các huyện miền núi mà ở các huyện đồng bằng, các em HS và các bậc phụ huynh cũng từng bước làm quen với phương pháp học mới. Khi đưa vào chương trình những tài liệu, phương pháp học tập mới thì bước đầu khó tránh được những khó khăn, nhưng với sự nỗ lực từ phía các trường cùng với sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh, tin rằng việc áp dụng chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.