Đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng: Hướng đi hợp lý

09:04, 27/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường đang là hướng đi hợp lý để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.  

Hiện nay, ngoài KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 KCN là Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong và mới nhất là KCN VSIP Quảng Ngãi, có  16 cụm công nghiệp với hơn 50 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu lao động của các DN tại các KCN trong năm 2015 khoảng 10.000 người. Riêng KCN VSIP cần khoảng 3.000 lao động. Hiện một số DN tại VSIP đã tiếp nhận khoảng 1.000 lao động, trong đó có 700 lao động phổ thông. Việc liên kết với các DN đào tạo nghề theo địa chỉ, ngành nghề phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của từng DN đang là hướng đi mang tính chiến lược lâu dài của các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất trong giờ thực hành gò hàn.
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghệ Dung Quất trong giờ thực hành gò hàn.


Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương nhằm tư vấn ngành nghề, việc làm cho người lao động và tạo cơ hội cho các DN thu hút lao động. Để chủ động trong việc đáp ứng nguồn lao động có chất lượng cung ứng cho các DN ở KCN VSIP, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ Dung Quất ký kết đào tạo khoảng 3.000 lao động. Hiện nhà trường đã chuyển giao 301 sinh viên tốt nghiệp các ngành may, điện và bảo trì hệ thống cơ khí cho 3 doanh nghiệp ở KCN VSIP. Số lao động đã chuyển giao nằm trong kế hoạch đào tạo theo biên bản ghi nhớ giữa nhà trường với các DN.

Sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm, em Nguyễn Văn Hoanh (22 tuổi, ở thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) phấn khởi cho biết: “Em được nhận vào làm tại Công ty TNHH một thành viên OGS. Mới ra trường đã có việc làm ngay tại quê hương nên em rất vui”. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất cho biết: “Trong những năm qua, nhà trường đã chuyển giao hàng loạt sinh viên cho các doanh nghiệp, nhất là ở KKT Dung Quất và KCN trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đến nay, trường đã đào tạo khoảng 15 nghìn lao động, trong đó hơn 90% đã có việc làm. Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi cũng đã chủ động liên kết với Công ty May Vinatex đào tạo theo nhu cầu của DN và đã cung ứng cho công ty 500 lao động trong năm 2013-2014. “Trong năm 2015, trường sẽ có 400 lao động trung cấp và 500 lao động sơ cấp ra trường. Nhà trường đã và đang liên kết với các DN để đào tạo theo nhu cầu thực tế và từng bước tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nguồn lao động có chất lượng tại các KCN trong tỉnh”, ông Võ Đình Tá- Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề trong năm 2015, Sở LĐ-TB&XH đã bố trí kinh phí hơn 15 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh hơn 4 tỷ, còn lại kinh phí từ chương trình mục tiêu) để đào tạo khoảng 18 nghìn lao động ngắn hạn và 7.900 lao động dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Duy Nhân-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: “Việc liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, đồng thời người lao động an tâm khi tham gia học tập. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương”. Cùng với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, các doanh nghiệp tham gia ký kết sử dụng lao động đã có nhiều hỗ trợ cho các trường nghề. Đơn cử như Công ty King Riches Việt Nam Footwear đã hỗ trợ 60 bộ máy may cho Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất. Công ty TNHH Doosan Vina cũng đã hỗ trợ Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất vật tư thực hành…

 Việc liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ giữa doanh nghiệp và nhà trưởng đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng mừng. Đây cũng là phương thức đổi mới hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề và giải quyết việc làm nhằm thực hiện tốt mục tiêu trong chiến lược đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH của tỉnh.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.