Chương trình SEQAP: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

01:03, 02/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (gọi tắt là SEQAP) đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi là một trong 36 tỉnh được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình này, với lộ trình thực hiện từ năm 2010-2015, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Năm học đầu tiên (2010-2011), Sở GD&ĐT chọn 10 trường tiểu học khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh để thực hiện, với 142 lớp, gần 3.400 HS, trong đó có trên 1.000 HS dân tộc ít người.

Việc hỗ trợ 2 bữa cơm trưa/tuần đã tạo điều kiện cho các em đến trường đều đặn, hạn chế tình trạng đi học giã gạo.
Việc hỗ trợ 2 bữa cơm trưa/tuần đã tạo điều kiện cho các em đến trường đều đặn, hạn chế tình trạng đi học giã gạo.


Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 51 trường tiểu học tham gia, với 852 lớp và trên 18 nghìn HS được thụ hưởng. Mục tiêu của chương trình là huy động 100% HS trong độ tuổi đến trường; giúp HS dân tộc thiểu số vượt qua rào cản về ngôn ngữ tiếng Việt, rút ngắn khoảng cách trình độ với HS miền xuôi để học tốt các môn học khác; nâng cao chất lượng giáo dục khi học 2 buổi/ngày.

Thông qua 2 Quỹ Phúc lợi học sinh và Quỹ Giáo dục mà SEQAP hỗ trợ, trong thời gian qua, các trường đã tổ chức bữa ăn trưa cho HS, khen thưởng cho các em đi học đều, học tập tốt và hỗ trợ giáo viên, bổ sung sách giáo khoa, tài liệu học tập, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất… Tổng mức đầu tư trên 39,4 tỷ đồng. Ban Quản lý SEQAP chấp thuận cho tỉnh ta xây dựng 63 phòng học, diện tích trên 2.800m2; 8 phòng học đa năng; 56 nhà vệ sinh. Trong đó, vốn ODA là 33,75 tỷ đồng, vốn trong nước 5,65 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở vật chất và đưa vào sử dụng.

Ông Đặng Phiên- Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở GD&ĐT cho biết, nhờ học 2 buổi/ngày và được ăn trưa ngay tại trường nên HS vùng khó khăn có thêm thời gian dành cho việc học, các em có điều kiện ôn bài để nắm vững kiến thức hơn; đảm bảo giờ giấc học tập của các em, khắc phục được tình trạng HS đi học trễ… Vì thế, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ HS có học lực khá, giỏi hằng năm tăng cao. Cũng theo ông Phiên, ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, các trường còn xây dựng kế hoạch dạy học buổi thứ 2 chủ yếu tập trung vào các nội dung: Củng cố kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt và môn Toán; tăng cường công tác bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo học sinh yếu; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như văn nghệ, TDTT, giáo dục an toàn giao thông, tổ chức một số chuyên đề tìm hiểu cuộc sống quê hương... Từ đó giúp các em phát triển toàn diện.

Cô Nguyễn Thị Đào- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Mai 1 (Minh Long), cho biết: Các em được hỗ trợ 2 bữa ăn trưa tại trường đã khuyến khích, động viên các em đi học thường xuyên, hạn chế tình trạng HS đi học giã gạo. Qua hơn 4 năm thực hiện chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục bậc tiểu học ở nhà trường được nâng lên rõ rệt, nhất là môn Toán và tiếng Việt. Tuy nhiên, điều nhà trường lo lắng là, năm nay là năm cuối cùng thực hiện Chương trình SEQAP, nên việc duy trì hỗ trợ 2 bữa ăn/tuần cho những em ở xa là rất khó.  “Với miền núi, việc phụ huynh cho con em đến lớp đầy đủ đã là điều khó khăn huống chi đến việc xã hội hóa. Tuy nhiên nhà trường sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động từ nhiều nguồn kể cả phụ huynh HS để có nguồn kinh phí duy trì 2 bữa ăn trưa cho các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa nhằm khuyến khích các em đến lớp đông đủ, hạn chế tình trạng đi học giã gạo”, cô Đào cho biết.

Ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì nhấn mạnh, chương trình SEQAP đã có tác động rất lớn và hiệu quả thiết thực trong việc duy trì sỉ số HS, chống bỏ học, lưu ban, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Nhờ có các quỹ nên các trường đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục toàn diện, mua sắm tài liệu giảng dạy, học tập, tổ chức các CLB trong trường học, động viên, khích lệ học sinh đi học chuyên cần và học tập tích cực hơn. Đặc biệt, các em HS là người dân tộc thiểu số, HS nghèo trên toàn tỉnh khi tham gia Chương trình SEQAP đã được tiếp cận với mô hình dạy học 2 buổi/ngày. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục tiểu học được tăng lên, góp phần thúc đẩy giáo dục của địa phương phát triển một cách toàn diện.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.