Bông hoa đẹp của ngành giáo dục Sơn Hà

10:12, 19/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với vùng cao Sơn Hà như một định mệnh, cô giáo Đinh Thị Bích Nhàn (1975) – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Di Lăng 1 xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Gần 20 năm làm việc trong ngành giáo dục, cô không chỉ là người gieo chữ mà còn là người tiếp lửa, truyền nhiệt huyết cho các giáo viên trẻ.

TIN LIÊN QUAN

Sinh ra ở Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) nhưng từ khi học cấp 2, cô Nhàn đã theo gia đình chuyển lên sống ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, xa lạ nhưng dần dần cái chất tự nhiên, mộc mạc của thiên nhiên và con người nơi đây đã khiến cô yêu tự lúc nào. Sau 3 năm theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường ĐH Phạm Văn Đồng), cô về giảng dạy tại Trường Tiểu học TT Di Lăng 1. Vừa tài giỏi, xinh đẹp, biết bao nhiêu chàng trai đem lòng yêu mến, thế nhưng cô lại “phải lòng” một anh bộ đội người Hrê. Ngày tình yêu mới chớm nở, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn bởi người cô yêu có hoàn cảnh khá đặc biệt, từ nhỏ chỉ sống cùng bà ngoại. Nhưng “cảm” sự chân chất, hiền lành của người yêu, cô quyết tâm vượt qua mọi rào cản, trở ngại để đến với anh.

 

Dù là hiệu trưởng nhưng cô Nhàn thường xuyên đứng lớp để truyền đạt và kiểm tra kiến thức của các em học sinh.
Dù là hiệu trưởng nhưng cô Nhàn thường xuyên đứng lớp để truyền đạt và kiểm tra kiến thức của các em học sinh.


Cùng chồng “An cư lập nghiệp”, cô càng có thêm động lực để giảng dạy và hết lòng vì học trò. Lúc đó, cơ sở vật chất của trường còn “thiếu trước hụt sau”, ý thức học tập của học sinh đồng bào chưa cao. Thế là “cầm tay chỉ chữ”, đến nhà vận động từng em đến lớp… cô không quản ngại bất cứ khó khăn gì. Đứng trên bục giảng được 4 năm, cô được cử đi học lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục” 6 tháng. Xúc động nhớ về khoảng thời gian ấy, lúc cô nằng nặc xin Ban giám hiệu “đừng cho cô đi học”: Tôi cứ lên phòng thầy hiệu trưởng mà khóc suốt. Ngày đó giáo viên còn ít lắm! Tôi đứng dạy và chủ nhiệm khối lớp 4. Nếu đi học thì sợ không ai kèm cặp học trò cả. Thế nên không đành lòng “bỏ trò” mà đi học chút nào.

Năm 2001, chỉ mới 26 tuổi nhưng cô đã được tín nhiệm giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học TT Di Lăng 1. Vào năm 2002, trường vinh dự là một trong những trường đầu tiên của Sơn Hà được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục cố gắng và phấn đấu, năm 2008, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Cô tâm sự: Tháng 8.2008, tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng cũng chính là lúc mang thai bé thứ hai, nhưng chồng thì công tác ở Sơn Tây. Vừa gánh vác trách nhiệm mới, vừa một tay xoay xở việc gia đình. Khoảng thời gian ấy vô cùng khó khăn, áp lực nhưng nhờ sự bản lĩnh, tình yêu nghề, yêu trường… cô đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Năm học 2009-2010, cô là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2011-2012, cô được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác GD&ĐT.

Trường Tiểu học TT Di Lăng 1 có 2 điểm trường, số lượng học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Với cương vị là một người quản lý, cô Nhàn luôn định hướng, tổ chức cho giáo viên dạy học một cách linh hoạt, phân luồng học sinh trong quá trình dạy. Đặc biệt, khi giảng dạy Tiếng Việt cho các em ở khối lớp 1, 2, học sinh người đồng bào sẽ được quan tâm hơn.

Trong năm học 2013- 2014, tỉ lệ học sinh khá giỏi chiếm hơn 70%, đạt nhiều giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tốt, cô còn thường xuyên phát động, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cắm trại, làm báo tường, thi vẽ, làm thơ nhân các ngày lễ… Tìm tòi, nghiên cứu những chương trình hay, định kỳ hằng năm cô cùng các giáo viên trong trường tổ chức  những cuộc thi như Rung chuông vàng, Đố vui để học, Giao lưu tiếng Việt… mang lại sự hứng thú trong học tập, khơi gợi khả năng sáng tạo, nhạy bén cho học sinh.

Trong những năm qua, để có được những thành tích nổi bật, trở thành trường học đầu đàn của huyện trong chất lượng dạy và học, cần sự nỗ lực, cố gắng của cả một tập thể thầy và trò. Là người đầu tàu, cô Nhàn luôn chủ động trao đổi công việc với các giáo viên trong trường. Mọi phong trào, cô không chỉ là người đứng ra phát động mà còn tham gia, đôn đốc. Luôn phát huy dân chủ, minh bạch trong mọi công việc, sẵn sàng lắng nghe và ghi nhận những đóng góp của giáo viên trong trường.

Cô Nhàn vui vẻ chia sẻ: “Đại đa số giáo viên trong trường đều là nữ, nên tôi như người chị, người bạn dễ đồng cảm và sâu sát đời sống chị em giáo viên. Dù vừa lo công việc chung vừa quán xuyến việc nhà nhưng tôi cảm thấy không có gì khó khăn cả”. Ngoài công tác quản lý, tiếp lửa cho các giáo viên trẻ, cô còn thường xuyên đứng lớp để nắm được tình hình học tập, tâm lý của học sinh trong trường. Em Lê Nguyễn Thảo Linh, học sinh lớp 5B, nói: “Cô Nhàn rất thương yêu chúng em, từ việc học tập cho đến vệ sinh lớp học, cô luôn quan tâm và thường xuyên nhắc nhở”.  

Vừa giỏi việc trường, đảm việc nhà, tận tâm với công tác xã hội, thế nên cô luôn được đồng nghiệp, học trò yêu mến, phụ huynh tín nhiệm. Trong năm học 2014-2015, cô xác định nhiệm vụ hàng đầu là sẽ cùng cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường phấn đấu để trường đạt chuẩn Quốc gia mức 2.

Bài, ảnh: HIỀN THU
 


.