Gian nan chuyện học ở Ba Giang

09:09, 12/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Ba Giang (Ba Tơ) chia tách đến nay đã 5 năm. Chuyện học hành ở đây diễn ra bình thường như bao địa phương khác. Chỉ có điều, thầy và trò ở Ba Giang đã và đang đối diện với khó khăn bội phần vì cơ sở vật chất trường lớp không đảm bảo.

TIN LIÊN QUAN

Thật buồn, đã 5 mùa khai giảng mà ở Ba Giang trường, lớp vẫn tạm bợ, thiếu thốn. Khi bắt đầu tách xã, điểm trường chính trường tiểu học và THCS được đầu tư xây dựng thêm dãy phòng học hai tầng, xây mãi 5 năm mới xong, nhưng không có bàn ghế, nên phải tận dụng bàn ghế cũ. Vì thế, so với trường cũ thì việc có thêm dãy phòng 2 tầng này cũng chẳng tăng thêm được chỗ ngồi cho học sinh. Đã vậy, điểm trường chính này hai năm nay lại phải “cõng” thêm toàn bộ học sinh điểm trường lẻ thôn Gò Non dời về đây học do điểm lẻ này bị sụt lún, nứt tường, không đảm bảo an toàn.

 

Nơi học “mới” của học sinh mầm non Ba Giang là dãy phòng tạm bợ, mất an toàn.
Nơi học “mới” của học sinh mầm non Ba Giang là dãy phòng tạm bợ, mất an toàn.


Ngoài ra, Trường Tiểu học và THCS Ba Giang còn có điểm trường lẻ thôn Gò Khôn cách điểm chính nửa ngày đi bộ. Dù là điểm lẻ, xây dựng cho học sinh trong thôn thuận lợi đến trường, nhưng thực tế, hằng ngày đám học trò nhỏ vẫn phải đi bộ, lội suối với quãng đường khá xa để đến lớp. Bởi lẽ, làng ở một nơi, trường xây một nẻo. Bất cập này được thầy cô giáo dạy ở điểm trường Gò Khôn giải thích: Do dự án xây điểm trường này chỉ đầu tư tiền xây trường, mặt bằng do người dân hiến đất. Dân hiến đất chỗ nào thì trường xây ở đó. Nhà trường không thể định đoạt được vị trí trường gần nhà là vì thế.

Năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học và THCS Ba Giang kiên quyết xóa điểm lẻ Gò Xuyên vì điểm này quá xa điểm trường chính. Toàn bộ học sinh ở đây được đưa xuống điểm trường chính học bán trú. Thế nhưng, vì cơ sở vật chất không đảm bảo, số học sinh này khi “hạ sơn” gặp muôn vàn khó khăn. Chỗ nội trú của các em học trò nhỏ Gò Xuyên là phòng học cũ nằm ở lưng chừng đồi thuộc thôn Ba Nhà, nằm cách điểm chính khoảng 2km. Em Đinh Văn Hùng - học sinh lớp 7 ở Gò Xuyên cho biết: Đầu tuần gia đình cho 5 lon gạo để ăn trong 5 ngày, thức ăn là rau rừng, ốc suối. Cuối tuần đi bộ 5 tiếng đồng hồ về nhà.

Riêng cấp học mầm non với 70 học sinh thì hiện tại đều đi học… nhờ vì không có nơi học ổn định. Cách đây 2 năm, Trường Mầm non Ba Giang được đầu tư xây dựng mới nhưng trường vừa xây xong đã nứt toác, không sử dụng được, đành đóng cửa, học sinh phải học tại phòng học cũ tạm bợ. Trong số đó, một nửa học sinh học tạm tại Trung tâm học tập cộng đồng là những phòng học cũ nát; một số ít học tại phòng học tạm ở các thôn.

Còn Trường Mầm non Ba Giang mới xây thì cửa đóng im ỉm, bên ngoài được “cảnh báo” bằng những cành gai chặn ngang lối vào trường. Năm học 2014 - 2015, Trường Mầm non Ba Giang lại càng khó khăn hơn về chỗ học do một phòng học ở thôn Ba Nhà mượn của Trường Tiểu học và THCS đã bị lấy lại để làm chỗ nội trú cho học sinh. Phòng học này đã bị đòi lại. Nơi đến của số học sinh mầm non thôn Ba Nhà là phòng bê tông kín mít, thấp lè tè, rộng vỏn vẹn 4-5m2, không có cửa sổ, không điện, tối om.

Ba Giang là vùng căn cứ cách mạng, vừa được Trung ương công nhận là An toàn khu, là niềm vui lớn, là cơ hội được quan tâm đầu tư hơn. Đó là chuyện của lâu dài. Còn hiện tại, ở Ba Giang với riêng lĩnh vực giáo dục thì chỉ toàn khó khăn, thiếu thốn. Chuyện học hành đáng lẽ sau nhiều năm chia tách phải đỡ vất vả hơn, nhưng ngược lại ở Ba Giang đang ngày một khó khăn, thiếu thốn. Để xảy ra tình trạng này một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền và ngành giáo dục.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.