Gieo chữ nơi rẻo cao

06:08, 17/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày giải phóng, mặc cho khó khăn chồng chất, đội ngũ cán bộ,  giáo viên ở huyện vùng cao Minh Long quyết tâm thực hiện sự nghiệp “trồng người”. Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, ngành giáo dục Minh Long đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào.

TIN LIÊN QUAN

Đồng tâm vượt khó

Dù tuổi đã cao nhưng trong ký ức của nhà giáo Đinh Miền Tây, một trong những người đầu tiên “cầm quân” ngành giáo dục Minh Long, vẫn nhớ như in những tháng ngày gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao này.  Ông giáo Tây kể, sau ngày giải phóng, ngành giáo dục Minh Long gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện Minh Long chỉ có 2 trường tiểu học, đó là trường ở Long Hiệp và Long Sơn.

Mỗi trường chỉ có vài ba lớp học, thế nhưng thiếu thốn cả về đội ngũ giáo viên lẫn đồ dùng dạy học. Nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục Minh Long lúc bấy giờ là xóa nạn mù chữ; tập trung xây dựng trường lớp; củng cố đội ngũ giáo viên để tập trung huy động học sinh ra lớp… Với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền địa phương,  cùng với đội ngũ giáo viên giàu tâm huyết, đến hôm nay ngành giáo dục Minh Long đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào.   

 

Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn vui đón năm học mới.
Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn vui đón năm học mới.


Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Minh Long Nguyễn Văn Cáng phấn khởi cho biết, từ chỗ hơn 90% dân số trên địa bàn huyện mù chữ, đến tháng 10.1995 huyện Minh Long là một trong những huyện miền núi đầu tiên trong tỉnh nhận cờ thi đua xóa được nạn mù chữ. Hệ thống giáo dục mẫu giáo, tiểu học và THCS  dần được củng cố, đến năm học 1985-1986 Minh Long mở được trường phổ thông trung học và trường nội trú để đáp ứng nhu cầu học tập của con em ở địa phương.

Với nhận thức “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và  “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Địa phương đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo để duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Cuộc vận động toàn dân đưa con em đến trường diễn ra rộng khắp. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của việc học được nâng cao. Nhờ vậy, số lượng học sinh ngày càng tăng lên.

Đến nay, toàn huyện có tổng cộng 18 trường ở các cấp học. Có tổng số hơn 4.200 học sinh, với 188 lớp học. Năm 2005, huyện Minh Long được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI của Đảng bộ huyện, Minh Long đã xây dựng 4 trường  tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, huyện đã tập trung xóa các phòng học tranh tre, nứa lá.

Trên địa bàn huyện không còn tình trạng học nhờ nhà dân, phòng học tạm bợ. Từ các chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Minh Long đã phủ kín phòng học kiên cố cho 5/5 xã của huyện. Đây có thể nói là niềm tự hào, khẳng định những cống hiến, nỗ lực to lớn của địa phương trong sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi.

Đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non

 Cùng với những thành tựu đạt được, Minh Long đang tập trung đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hệ thống giáo dục mầm non của huyện đã phủ khắp 5 xã. Người dân ở huyện vùng cao Minh Long phấn khởi khi trẻ em được học trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Đến Trường Mẫu giáo Long Mai, chúng tôi như vui lây khi thấy ngôi trường mới xây còn thơm nồng mùi vôi mới. Ngôi trường được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí 3,7 tỷ đồng.  Cô giáo Lê Thị Tuyết Trinh-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Mai vui mừng nói: “Năm học trước, học sinh phải học nhờ trường tiểu học. Năm học này được dạy và học trong ngôi trường mới, cô trò chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia”.

Thực hiện lộ trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huyện Minh Long tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đến nay, huyện có 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 100% trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ chính sách. Phát huy những nỗ lực đạt được, từng bước khắc phục khó khăn, huyện Minh Long phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi theo đúng kế hoạch đề ra.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, cán bộ và nhân dân huyện Minh Long phấn khởi khi ánh sáng tri thức bừng sáng trên khắp các xóm làng. Ngày qua ngày, các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao Minh Long vẫn miệt mài trên hành trình gieo chữ nơi rẻo cao.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.