Ngôi trường mang tên Thượng tướng Trần Văn Trà

10:03, 28/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Trần Văn Trà từng tự bạch: "Ra đi hai bàn tay trắng. Trở về một dải giang san”. Ông tự hào về con đường đấu tranh cách mạng của Đảng và càng yêu quê hương mình (xã Tịnh Long, Sơn Tịnh). Trong những ngày tháng ba lịch sử này, thầy và trò Trường THCS mang tên ông  đang tập trung thi đua dạy tốt, học tốt...

Chuyện "rèn đức, luyện tài"

Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Duy Bút bộc bạch: "Học sinh nơi đây tuy đa số là con nhà nông, nhưng các em luôn có ý thức học tập rèn luyện".  

Trong mười năm qua toàn trường có 377 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 38 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 36 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 11 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trên 17 giáo viên đạt trên chuẩn. Học sinh thi vào THPT ngày càng cao, năm 2010 - 2011 đạt 82,5%, năm 2012 - 2013 đạt gần 85,5%.

Ngôi trường mang tên Thượng tướng Trần Văn Trà.
Ngôi trường mang tên Thượng tướng Trần Văn Trà.


Có kết quả trên là nhờ sự nỗ lực giảng dạy, học tập của cả thầy và trò ở ngôi trường này. Thầy Nguyễn Thế Bổn - giáo viên dạy toán đã gắn bó với trường trên 25 năm, phấn khởi: "Các em rất hiếu học nhưng điều kiện học hành còn khó khăn nên mình phải cố gắng. Dạy môn Toán khô khan nên mình phải  cải tiến phương pháp dạy. Các phương pháp được vận dụng là học nhóm, tia chớp (hỏi, đáp), ổ bi (trao đổi vòng tròn), dự án (phân thành nhiều nhóm rồi cho bài tập phù hợp với trình độ học sinh)... đã thu hút, khơi dậy niềm đam mê học của các em, làm cho tiết học thêm sôi nổi".

Thầy Bổn giới thiệu về học sinh xuất sắc khối 9 là em Nguyễn Đỗ Ngọc Danh như một niềm tự hào: "Nhà Danh nghèo, nhưng em rất ham học. Em tiếp cận các phương pháp học mới rất nhanh. Bao giờ em cũng là nhóm trưởng để hỗ trợ bạn bè". Còn Danh thì cho biết: "Ngoài học trên lớp, ở nhà em phải sắp xếp thời gian biểu cho phù hợp để còn giúp cha mẹ".

 Tự hào về vị tướng tài ba

Câu chuyện về sự nghèo và tinh thần hiếu học của con em làng quê mình đã nhiều lần làm xúc động gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà. Cũng từ miền quê này, mẹ của ông từng buôn gánh bán bưng tần tảo nhưng vẫn dành trọn tình thương yêu để chăm sóc và nuôi ông ăn học. Chàng thanh niên trẻ Nguyễn Chấn (tên thật của Thượng tướng Trần Văn Trà) đã sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bị bắt nhiều lần. Tuy vậy, ông vẫn một lòng kiên định theo con đường cách mạng. Rồi ông trở thành Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám; Khu trưởng Khu 8, Xứ ủy viên Nam Bộ (1946 - 1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tư lệnh Quân khu 7 (1949 - 1950); Phó Tư lệnh Nam bộ, Tư lệnh phân khu miền Đông Nam Bộ (1951-1954). Ông là người gắn bó với chiến trường miền Nam bền bỉ, xuyên suốt nhất, tham gia mở con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại vào năm 1959.  Giai đoạn 1973- 1975, ông là Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

 Đi theo kháng chiến rồi trở thành tướng tài, nhưng ông vẫn nhớ về làng quê dấu yêu và người quê luôn tự hào đất quê mình đã sinh ra vị tướng tài ba. Trước khi về cõi vĩnh hằng ông còn dặn dò con cháu hãy cố gắng học tập rèn luyện và nhớ về quê nhà dấu yêu nằm ở hạ lưu dòng sông Trà hiền hòa ấy...

Thực hiện tâm nguyện của ông, các con ông đã tổ chức vận động, xây dựng, trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Trên quê hương của mình, từ 2006 đến nay, gia đình ông đã hỗ trợ 25 máy tính, 1 đèn chiếu, 2  máy lạnh và trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo xã Tịnh Long, trị giá trên 370 triệu đồng. Năm 2006, cảm phục trước tấm lòng cao cả của vị tướng tài ba với đất nước, quê hương, cán bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, ngành giáo dục đã xin lấy tên ông để đặt tên cho ngôi trường. Trường THCS Trần Văn Trà ra đời từ đó.

 Trường THCS Trần Văn Trà hiện đã đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Trong niềm hân hoan của những ngày tháng 3, Quảng Ngãi được giải phóng, thầy và trò nhà trường càng nỗ lực giảng dạy tốt, học tập tốt, xứng đáng với ước vọng của Thượng tướng Trần Văn Trà - người con ưu tú của quê hương.
       

  Bài, ảnh: TRƯỜNG AN    
 


.