Nhà ở cho công nhân: Nơi thừa, nơi thiếu

08:10, 17/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số doanh nghiệp đến đầu tư tại các KCN, KKT ngày càng nhiều đã giải quyết một lượng lớn lao động của tỉnh. Thực tế đó đã kéo theo nhu cầu về nhà ở cho công nhân là không nhỏ.

TIN LIÊN QUAN

KKT Dung Quất hiện có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có hơn 70 dự án đi vào hoạt động. Những dự án hoạt động có hiệu quả, gồm: NMLD Dung Quất, Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy BioEthanol; Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina và các nhà máy ở Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất… Hiện các DN tại KKT Dung Quất đã giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân tại KKT Dung Quất đang là vấn đề trăn trở của nhiều DN và người lao động.

 

 Khu nhà trọ của công nhân ở xã Tịnh Phong.
Khu nhà trọ của công nhân ở xã Tịnh Phong.


Để đón đầu nhu cầu nhà ở của công nhân, năm 2003, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng Dung Quất (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi -QISC) đã đầu tư xây dựng khu nhà ở với 52 phòng khá rộng rãi ở xã Bình Chánh. Tuy vậy, hiện nay chỉ có 3 phòng với 10 người đến thuê ở, số còn lại đóng cửa. Trong khi đó công nhân làm việc ở Phân khu công nghiệp Sài Gòn-Dung Quất thì thuê nhà dân ở với giá cao và rất chật chội.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu nhà này không có công nhân thuê là do xung quanh khu nhà ở này không có các dịch vụ ăn uống, mua sắm... Hiện ở KKT Dung Quất cũng mới chỉ có Công ty Doosan Vina, NMLD Dung Quất là có khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Trong đó, Công ty Doosan Vina xây dựng khu chung cư trên 500 chỗ ở cho kỹ sư nước ngoài, công nhân, kỹ sư ở xa. Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác này.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã chỉ đạo BQL các KCN Quảng Ngãi lập đề án triển khai thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân ở KCN Tịnh Phong. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện ở KCN Quảng Phú và Tịnh Phong có 82 dự án cấp phép đầu tư, trong đó có 52 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động, nhưng chưa có doanh nghiệp nào xây dựng nhà ở cho công nhân.

Chị Nguyễn Thị Diễm Trang, quê ở xã Đức Tân (Mộ Đức), công nhân Công ty điện tử FOSTER tại KCN Tịnh Phong cho biết: Tay nghề của em chưa cao nên mức lương khoảng 2,3 triệu đồng/tháng. Do xa nhà, để tiện cho việc đi làm, em cùng bạn thuê nhà trọ ở với giá 500 ngàn đồng/phòng/tháng.

Nói là nhà trọ, nhưng chỉ là căn phòng rộng 10m2 không giường, không bàn ghế. Còn chị Hương, công nhân Công ty Vinatex tâm sự: Trước đây em làm công nhân ở Sài Gòn, sống xa nhà nên gặp quá nhiều khó khăn, vì vậy em về đây làm. Về quê tuy được gần nhà, nhưng đồng lương eo hẹp, nên cũng chỉ đủ sống chứ không dám nghĩ đến chuyện có chỗ ở ổn định. “Lương thấp, nhưng đủ các khoản phải chi nào là tiền nhà, tiền ăn, xăng xe, tháng nào tiết kiệm lắm thì dư được 500.000 đồng. Tiền đâu mà mua nhà, mua đất”, chị Hương lo lắng.

Đấy cũng là nỗi lo của hàng chục ngàn công nhân, lao động đang làm việc tại các KCN của tỉnh và KKT Dung Quất hiện nay. Không những vậy, với mức thu nhập thấp, công nhân cũng không có cơ hội, điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập và giao lưu tình cảm.

Ông Nguyễn Thạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Vinatex Quảng Ngãi cho biết: “Nguyện vọng của công nhân và doanh nghiệp là muốn có chỗ ở ổn định cho công nhân để đảm bảo sức khỏe, lao động có năng suất. Vì thế, chúng tôi rất muốn xây nhà ở cho công nhân trong khuôn viên của công ty trên phần đất phân xưởng số 6 bỏ không, gồm khu nhà ở, nhà giữ trẻ; đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí cho công nhân... Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng Ban quản lý các KCN và tỉnh chưa đồng ý”.

Bà Ngô Thị Kim Ngọc- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần người lao động tại các doanh nghiệp tuy có bước cải thiện đáng kể, nhưng nhà ở cho công nhân vẫn chưa được doanh nghiệp và Ban Quản lý các KCN tỉnh quan tâm đúng mức.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.