Học nghề chưa đi đôi với hành nghề

08:10, 25/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), miền núi ngày càng được chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, thực tế số lao động đã qua đào tạo vẫn chưa phát huy hiệu quả. Khoảng cách giữa học và hành còn quá xa.

TIN LIÊN QUAN


Hiện nay, nhu cầu tham gia học nghề của lực lượng LĐNT, miền núi ngày càng nhiều. Trong đó những nghề nông nghiệp như sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi bò vỗ béo, trồng rau sạch, trồng nấm... được dạy phổ biến ở các địa phương. Những nghề này khá quen thuộc, người lao động có thể tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập nhờ nắm được kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc sau lớp nghề đã học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sau khi học xong, người học vẫn không thể áp dụng vì không có vốn để đầu tư sản xuất, đơn cử như nghề trồng nấm rơm. Dù số lượng lớp mở hằng năm khá nhiều, nhưng rất ít người học có thể áp dụng được vào thực tiễn.

 

Công nhân làm nghề tiện gỗ, trang trí nội thất.
Công nhân làm nghề tiện gỗ, trang trí nội thất.


Bên cạnh các nghề nông nghiệp thì việc đào tạo nghề phi nông nghiệp hiệu quả cũng chưa cao. Đặc biệt, với lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, học nghề đã khó, sống được với  nghề đã học càng khó hơn. Ngay cả các nghề đặc thù của địa phương như bó chổi đót, đan lát, dệt thổ cẩm…  cũng khó triển khai sau đào tạo. Bởi, bà con sau học nghề, làm ra sản phẩm chẳng biết bán cho ai, điển hình như nghề bó chổi đót ở Tây Trà. Dù đã được đào tạo khá bài bản, nguồn nguyên liệu đót tại địa phương dồi dào, nhưng sau khi học xong, chỉ có 2 học viên là áp dụng được vào thực tiễn, tự làm và tự bán nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Chị Hồ Thị Thủy, ở xã Trà Lãnh chia sẻ: “Mình biết làm chổi đót, nhưng mà làm ra bán không được. Khó lắm!”

Trong khi đó, đào tạo các nghề phi nông nghiệp như may, mộc… thì học viên tốt nghiệp ít được các chủ cơ sở tiếp nhận do tay nghề không đạt yêu cầu, ý thức lao động không cao… Chị Huỳnh Thị Thanh Thúy – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Trà cho biết: Năm 2010 - 2011, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở 5 lớp đào tạo nghề may cho hơn 150 chị em trên địa bàn huyện. Để tạo điều kiện cho lao động có việc làm sau khi học nghề, Hội LHPN tỉnh cùng với Hội LHPN huyện đã phối hợp với Công ty may Đông Thành (TP.Quảng Ngãi) tạo điều kiện cho 38 chị vào công ty làm việc. Tuy nhiên, làm được thời gian ngắn thì tất cả đều nghỉ. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều lao động ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Ông Hạ Huy Tiến – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng cho biết: Năm 2012, Trung tâm đã mở 2 lớp dạy may cho 60 học viên. Sau khi học xong, Công ty may Vinatex ở KCN Tịnh Phong tiếp nhận hơn 30 lao động. Tuy nhiên, làm được vài tháng thì số lao động này cũng đã lần lượt bỏ việc. Lý giải về tình trạng này, ông Tiến cho biết thêm: Đa số các học viên sau khi học nghề đều biết làm, nhưng do người dân địa phương vẫn chưa quen với cách làm việc khuôn phép trong tập thể nên khó hòa nhập. Tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động không mấy mặn mà. Ngoài ra, tay nghề của lao động còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Dạy nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT, miền núi đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Luôn có sự chênh lệch lớn giữa số đã qua đào tạo và số lao động có việc làm sau khi học nghề. Trong thời gian đến, để việc đào tạo nghề cho LĐNT, miền núi hiệu quả, thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm; đào tạo theo nhu cầu và theo địa chỉ rõ ràng. Có như vậy mới thu hút được người dân đến với các trường nghề, các trung tâm dạy nghề tại địa phương.


Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.