Chuyện Phòng Giáo dục “giữ chân” giáo viên

02:10, 26/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Thoạt nghe thấy lạ, bởi hiện tại sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp tràn lan thì ngành giáo dục giữ chân giáo viên để làm gì? Nhưng đó là sự thật xảy ra ở Phòng Giáo dục (PGD) huyện Đức Phổ. 

TIN LIÊN QUAN

“Giữ chân” giáo viên
 
Để đưa môn bơi vào dạy trong trường học theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhằm giúp các em rèn luyện sức khỏe và phòng tránh đuối nước, Trường THCS Phổ Vinh hiện là trường duy nhất trong tỉnh được huyện đầu tư xây dựng bể bơi. 
 
Để chuẩn bị nhân lực trước khi đưa môn học này vào giảng dạy cho học sinh, PGD huyện săm soi mãi mới tìm được một “ứng viên” là sinh viên ngành giáo dục thể chất và đúng chuyên ngành bơi lội nên PGD quyết tâm “giữ chân” giáo viên này.

 

Bậc học mầm non đang thiếu giáo viên.
Bậc học mầm non đang thiếu giáo viên.

 

Nhưng nghẹt là hồ bơi xây chưa xong, sợ “ứng viên” tìm được việc nơi khác nên PGD bố trí giáo viên này dạy hợp đồng tại 1 trường THCS khác trên địa bàn huyện trong khi chờ đợi bể bơi ở Trường THCS Phổ Vinh hoàn thành để đưa vào giảng dạy.
 
Thầy Nguyễn Văn Bảy- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ bộc bạch: “Bơi lội là môn thể thao dưới nước, do đặc thù của nó khác với những môn thể thao khác nên cần giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học. Vì thế chúng tôi đã quyết tâm giữ chân giáo viên này”.
 
Dạy trái môn, chất lượng có đảm bảo?
 
Năm học 2013-2014 đã trôi qua gần 3 tháng, nhưng Quảng Ngãi hiện còn thiếu 1.046 giáo viên, trong đó hệ mầm non thiếu 482 giáo viên, tiểu học 424 giáo viên và THCS là 147 giáo viên. Đức Phổ dẫn đầu với 154 giáo viên, Mộ Đức 139, Bình Sơn 124, Tư Nghĩa 123…, chỉ mỗi huyện miền núi Sơn Tây đã lấp đầy.
 
Ông Vũ Đức Tế- Phó Giám đốc Sở GD&DT cho biết, trước thực trạng trên, hiệu trưởng các trường đã bố trí giáo viên dạy tăng giờ, tăng buổi để đảm bảo dạy học, giáo viên dạy trái môn để học sinh không phải nghỉ học vì thiếu giáo viên.
 
Là một lãnh đạo địa phương, ông Lê Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh thừa nhận, đội ngũ giáo viên ở địa phương đã thiếu còn không ổn định. Ở bậc học mầm non, toàn xã có 235 cháu phải học ngoài nhà trường và học ở các địa phương lân cận. Còn bậc tiểu học và THCS thì đa số giáo viên đang công tác trên địa bàn xã ở xa nên luân chuyển liên tục. 
 
Học sinh vừa quen mặt các thầy cô giáo năm ba tháng, một hai năm rồi tiếp tục chuyển đi và điều người khác về. Những bộ môn như: Văn, sử thừa giáo viên còn ngoại ngữ, tin học lại thiếu. 
 
“Giáo viên dạy trái môn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Giáo viên không đúng chuyên môn mà dạy cả năm học thì học sinh có thể bị mất căn bản. Mà đã mất gốc ở lớp nhỏ thì lên lớp lớn dạy dỗ kiểu gì đây”- ông Thái nói.
 

 

Việc giáo viên dạy trái môn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Việc giáo viên dạy trái môn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
 
 
Ông Nguyễn Văn Bảy cho hay, thực tế huyện Đức Phổ đang thiếu giáo viên ở các bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ… Đặc biệt năm nay địa phương có kế hoạch đưa Ngoại ngữ vào dạy 21/21 trường tiểu học trên địa bàn, nhưng hiện tại chỉ có 8 trường có giáo viên, số còn lại phải hợp đồng với các giáo viên ở các trường khác.
 
Trước tình trạng môn thừa môn thiếu, để hạn chế tới mức tối đa sự thiệt thòi cho học sinh, nhiều trường bố trí giáo viên dạy trái môn, giáo viên Toán, Vật lý kiêm dạy Tin học…
 
Giáo viên dạy trái môn Tin học là những giáo viên có chứng chỉ Tin học được các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cấp và họ tự tìm tòi, học hỏi thông qua sách hướng dẫn, tham khảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Nói về chất lượng giáo viên dạy trái môn, ông Bảy cho rằng, chắc chắn giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành sẽ truyền tải đến học sinh các kiến thức chuyên sâu hơn là những giáo viên dạy trái môn.
 
Theo quy chế, vấn đề tuyển dụng do Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trực tiếp tổ chức thi tuyển. Giải thích về sự thiếu hụt giáo viên trong khi sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm đang khá dồi dào, ông Bảy cho hay, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là giáo viên vừa mới nghỉ hưu và do vướng phải văn bản của Sở Nội vụ yêu cầu Hội đồng thi tuyển viên chức phải có chuyên viên cao cấp. 
 
Cũng vì vướng điều này, không chỉ Đức Phổ mà 12 huyện, thành phố trong tỉnh phải đến năm học này mới có kế hoạch thi tuyển. Hiện tại, một số PGD các huyện, thành phố đang thu nhận hồ sơ các ứng  viên. Theo kế hoạch, trong tháng 11 tới, sẽ tổ chức thi tuyển để bổ sung đội ngũ giáo viên cho địa phương.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.