Kỹ sư, cử nhân phổ cập sơ cấp nghề- Kỳ 2: Thầy học làm thợ

05:07, 28/07/2013
.

(QNĐT)- Khó tìm được việc đúng ngành học, nhiều cử nhân chấp nhận làm lao động phổ thông trong thời gian chờ việc với tâm thế “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều khi chờ đợi mãi vẫn không có việc đúng trình độ, có những cử nhân đành đi học nghề để làm công nhân kỹ thuật.

>>> Kỹ sư, cử nhân phổ cập sơ cấp nghề - Kỳ 1: Vật vã tìm việc

 

Kỳ 2: Thầy học làm thợ

Tại Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa, hiện có hơn 500 lao động, nhưng có tới 1/3 lao động có trình độ từ trung cấp trở lên, trong đó chủ yếu là kỹ sư, cử nhân. Điều ấy minh chứng cho sự mất cân đối trong việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

 

TIN LIÊN QUAN
  *Ông cử, bà cử xin làm công nhân

Ông Trần Nhật Linh- Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa cho biết, đưa giai đoạn 1 vào sản xuất, công ty tuyển dụng 500 lao động phổ thông làm thợ may, nhưng có đến 165 người có trình độ từ trung cấp chính quy trở lên. Chưa hết, hằng ngày vẫn có rất nhiều em là kỹ sư, cử nhân xin được vào làm công nhân.

Hầu hết họ là những người bôn ba bao nhiêu năm mà vẫn không xin được việc làm nên đành chấp nhận lãng phí kiến thức, làm công nhân với mức lương từ 1,7- 2,3 triệu đồng để tự nuôi sống bản thân, gia đình.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Linh cung cấp cho chúng tôi một danh sách dài những kỹ sư, cử nhân. Từ cử nhân sư phạm, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, đến kỹ sư hóa dầu, hóa phân tích, đóng tàu, công nghệ thông tin, kiến trúc sư... Trong đó có tới 112 người là cử nhân kế toán. Sở hữu nguồn nhân lực “hùng hậu” như thế, nhưng đây là điều mà lãnh đạo công ty chưa bao giờ dám nghĩ tới.

 

Chật vật năm kia qua năm nọ không xin được việc làm đúng chuyên ngành, nhiều bạn trẻ đành ngậm ngùi làm công nhân. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Chật vật năm kia qua năm nọ không xin được việc làm đúng chuyên ngành, nhiều bạn trẻ đành ngậm ngùi làm công nhân. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ


Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Đại học Kiến trúc Đà Nẵng với đầy đủ chứng chỉ Anh văn, tin học, em Lê Thị Hiếu quê ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Nhưng do ra trường đúng vào thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng sinh viên khối ngành kinh tế mỗi năm tốt nghiệp quá đông nên đã 1 năm nay chật vật mãi mà Hiếu vẫn chưa tìm được việc.

Để có tiền tự lo cho bản thân, Hiếu đành phải “cất” bằng cử nhân một chỗ, chấp nhận làm việc ở Công ty Vinatex với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. “Em đã nộp hồ sơ thi tuyển vào BHXH và Cục Thuế tỉnh nhưng chẳng hy vọng cho lắm. Kỹ sư, cử nhân bây giờ thất nghiệp là chuyện thường tình. Cả lớp em sau khi tốt nghiệp số người tìm được việc chỉ đếm trên đầu ngón tay”- Hiếu buồn bã.

Thực tế, mọi lao động sau khi được tuyển dụng đều làm công việc như nhau nên không đòi hỏi tay nghề cao. Họ chỉ cần làm 1 công đoạn của dây chuyền là ráp, ủi hoặc hoàn thiện… “Áy náy” trước nguồn nhân lực dồi dào, lãnh đạo công ty quyết định phổ cập sơ cấp nghề cho 165 đối tượng này trong 2 tháng rồi bố trí họ ở những vị trí cao hơn như tổ trưởng, chuyền trưởng. Nhưng có nhiều người khước từ chức vụ ấy, xin an phận làm công nhân.

*Cung cầu bao giờ mới gặp nhau?

Lâu nay, các phương tiện thông tin đại chúng luôn kêu ca công trình này, dự án nọ gây lãng phí, nhưng việc cử nhân, kỹ sư buộc phải làm công nhân, nông dân, quay lại học nghề cũng là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Bởi người học đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, công sức, thời gian và nhiều thứ khác.

Dù không có số liệu cụ thể, nhưng thực tế cho thấy kỹ sư, cử nhân hiện thất nghiệp khá nhiều. Trong khi nhiều ông cử, bà cử không tìm được việc làm và làm đúng chuyên môn, thì những người học nghề lại rất dễ tìm việc làm ổn định, mức lương khởi điểm cũng chẳng kém cử nhân, kỹ sư, thậm chí có người lương thử việc đến 7 triệu đồng/tháng.

Đây là hệ quả của việc mở các trường đào tạo, ngành đào tạo tràn lan, đặc biệt là khối ngành kinh tế dẫn đến chất lượng đào tạo quá kém, không sát với thực tế, chủ yếu sinh viên chỉ được học lý thuyết, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thực tế công việc.

 

Hiện nay, khối ngành kinh tế đang thu hút đông đảo sinh viên theo học. Đây cũng là ngành học khiến nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp nhất.
Hiện nay, khối ngành kinh tế đang thu hút đông đảo sinh viên theo học. Đây cũng là ngành học có nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp nhất. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ


Trong khi đó, công tác đào tạo nghề chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, công tác định hướng nghề nghiệp dường như bị thả nổi, dẫn đến thực trạng nguồn nhân lực sau đào tạo vừa thiếu lại vừa thừa. Sự dôi dư này vừa gây lãng phí cho xã hội, vừa tạo áp lực giải quyết việc làm cho địa phương.

Dẫn đến thực trạng trên một phần nguyên nhân cũng từ phía phụ huynh và bản thân các em học sinh. Không thiếu những trường hợp thi và học trường nào, ngành nào là theo trào lưu…

Ở nhiều nước phát triển, họ tính toán rất cẩn thận về việc học phổ thông đến đâu thì phải phân luồng. Trong khi ở nước ta, công tác này đang rất hạn chế. Mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam là đến năm 2020, ít nhất 70% số sinh viên được đào tạo theo định hướng thực hành. Định hướng này được nhiều nhà tuyển dụng lao động nhận định là “hướng đi đúng đắn”. Tuy vậy để biến nó thành hiện thực, những nhà làm công tác quản lý giáo dục hãy bắt tay ngay từ bây giờ. Đừng để lãng phí nguồn nhân lực, bởi đó là một sự lãng phí lớn!


Bài, ảnh: Ái Kiều


.