Lực lượng công an: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

02:10, 25/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an các huyện, thành phố, các đơn vị... đã triển khai kế hoạch bảo đảm phương tiện, dụng cụ, tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn... nhằm ứng phó với thiên tai.

Ngay từ tháng 8.2017, lãnh đạo Công an huyện Đức Phổ đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ các thao tác lái ca-nô và xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra lũ lụt. Phó trưởng Công an huyện Đức Phổ, thiếu tá Trần Như Phước, cho biết: “Qua công tác diễn tập chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tổ chức chỉ huy tham gia phòng, chống lụt bão đã phân định rõ ràng, gắn vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ. Các phương án, địa điểm sơ tán dân khi ngập lụt cũng đã xác định, xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng liên quan. Đơn vị cũng chủ động, sâu sát địa bàn, nắm chắc tình hình thời tiết để triển khai các khâu chuẩn bị phòng, chống bão, lũ”.

Lực lượng Công an huyện Đức Phổ diễn tập cứu hộ trên sông.
Lực lượng Công an huyện Đức Phổ diễn tập cứu hộ trên sông.


Theo Trưởng Công an huyện Ba Tơ, đại tá Lê Văn Khoa, trong mùa mưa lũ năm nay, đơn vị đặt phương châm hàng đầu là “sẵn sàng” và “tại chỗ”. Đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, sẵn sàng về chỉ huy, con người và phương tiện, thông tin, đảm bảo an ninh trật tự, tài sản của người dân. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để ứng phó hiệu quả với thiên tai, công tác chuẩn bị phải luôn đi trước một bước. Bởi khi bão, lũ xảy ra có thể gây chia cắt, cô lập các vùng dân cư, thông tin liên lạc bị cắt đứt. Do đó, đơn vị đã bố trí lực lượng đóng chốt địa bàn có nguy cơ sạt lở cao để sẵn sàng ứng phó.

 Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tục bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Hằng ngày, cảng biển Sa Kỳ và Tịnh Hòa có rất nhiều tàu cá tập trung về neo đậu, trú bão. Để đảm bảo an toàn, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã trực 24/24 giờ để phân luồng, điều tiết tàu ra vào, nhằm đảm bảo an toàn, trật tự nơi trú bão.

Đại úy Lê Trung Định, cho biết: “Thời điểm này, đơn vị đã duy trì 1 tổ trực 24/24 giờ để cấm các phương tiện đi hành nghề trên biển khi có Công điện của tỉnh. Những phương tiện nào cố tình không chấp hành, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp các phương tiện trong và ngoài địa bàn vào nơi trú tránh an toàn”. Cũng theo đại úy Lê Trung Định, mặc dù lực lượng Biên phòng, Cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão, hay áp thấp nhiệt đới trên biển, nhưng tại cảng biển Sa Kỳ vẫn còn một số tàu thuyền nhỏ lén lút ra khơi đánh cá, nên rất nguy hiểm.

Công an các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai, cũng như các quy định về bảo vệ các công trình thủy lợi cho nhân dân. Kịp thời xử lý các trường hợp lấn chiếm bờ sông, hành lang bảo vệ đê điều, góp phần bảo vệ an toàn khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông và các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Trưởng Công an huyện Tư Nghĩa, đại tá Nguyễn Tấn Chuân, cho biết: “Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn khắc phục khó khăn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai, bão lũ xảy ra”.

Với sự chuẩn bị cụ thể, kỹ lưỡng, lực lượng công an toàn tỉnh luôn theo dõi chặt diễn biến của thời tiết trong mùa mưa lũ năm nay; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn khi có lệnh. Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả khi có yêu cầu, góp phần bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
               

Bài, ảnh: Thành Sự
 


.