Thuyền trưởng tàu không số 9 lần vượt biển chi viện cho miền Nam

03:10, 21/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Đường Hồ Chí Minh trên biển”- con đường lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của lớp lớp cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số năm xưa. Trong số đó có một người thuyền trưởng đã 9 lần vượt biển, làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam.

Tên anh là Vũ Tấn Ích, sinh ra ở một vùng quê Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, 18 tuổi vào bộ đội đánh Pháp, hòa bình lập lại tập kết ra Bắc. Rồi được chọn đi học sĩ quan Hải quân ở nước bạn. Năm 1958 về nước được giao làm thuyền trưởng một tàu hải quân và được phong hàm trung úy.

Năm 1960, anh và một số đồng chí quê ở miền Nam được cấp trên gọi về giao nhiệm vụ vượt Trường Sơn bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam nghiên cứu nắm tình hình chiến trường sông biển, nhất là kế hoạch bố phòng của hải quân địch trên hướng biển và tìm cách quan hệ với các vùng giải phóng ven biển.

Biết rằng nhiệm vụ hết sức gian khổ, khó khăn, nhưng anh vui vẻ lên đường. Mấy tháng trời vất vả anh đã đến chiến trường Quân khu 5 theo nhiệm vụ được giao. Giữa năm 1962 anh được cấp trên gọi quay ra Bắc.

 

Ông Vũ Tấn Ích.
Ông Vũ Tấn Ích.
Lại mấy tháng vượt Trường Sơn, anh được đón về Hà Nội và vinh dự được đồng chí Nguyễn Bá Phát- Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ làm đội trưởng (thuyền trưởng 1 tàu) cùng với 12 đồng chí quê miền Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để làm nhiệm vụ đặc  biệt.
 
Sau một thời gian chuẩn bị hết sức bí mật khẩn trương, vào một đêm cuối năm 1962 đầu năm 1963, toàn đội được giao nhiệm vụ và ngay đêm đó đội của anh được đưa về nhà khách Hải quân Bãi Cháy, sau đó bí mật men theo đường mòn xuống bến đá có một con tàu neo chờ sẵn. Khi bước chân lên tàu anh em mới biết rõ nhiệm vụ của mình phải làm gì. Sau ít phút chuẩn bị, dưới sự chỉ huy của anh, con tàu đã rời bến ra khơi.

Đêm hôm ấy gió mùa đông bắc về rất mạnh, từng con sóng trùm lên phủ cả đài chỉ huy, mũi tàu luôn bị nước tràn qua. Anh  vẫn bám vị trí chỉ huy đưa con tàu thẳng hướng về Nam. Hồi hộp và lo lắng khi tàu vượt vùng biển giới tuyến 17, vì máy bay trinh sát quần đảo ban ngày, ban đêm luôn gặp tàu tuần tra của địch. Chúng nghi ngờ phát tín hiệu hỏi tàu ta.

Đêm mịt mùng, tàu ta không có số, không đèn hành trình. Như không biết chúng hỏi, anh cứ cho tàu đi tiếp, vì trên tàu đã ngụy trang đầy lưới và cá khô bày la liệt. Có lúc địch áp sát pha đèn quan sát, anh cho anh em ai nấy làm việc bình thường, cứ thế địch hết nghi ngờ bỏ đi; anh lại hướng tàu vào Nam thẳng tiến.

Sau một tuần vất vả căng thẳng, anh đã đưa tàu đến gần bến Cồn Lợi, Bến Tre. Lúc này cửa Bồ Đề  đồn địch bắn pháo sáng liên tục, các tàu đậu bến đèn pha sáng quắc. Tình thế bất lợi vì ta cách địch vài cây số. Anh báo động toàn tàu sẵn sàng theo các phương án chiến đấu và cho tàu tiến chậm vào bờ, vừa đi vừa dùng sào đo độ sâu vừa bắt liên lạc với bến.
 
Tàu vào rất gần bờ nhưng không liên lạc được với bến. Anh bình tĩnh cho tàu chuyển dần về phía Nam cho xa đồn địch và tiếp tục liên lạc với bến. Đã hai giờ sáng mà không liên lạc được. Anh hội ý chi ủy chớp nhoáng và ra quyết định: “Nếu gần sáng mà không liên lạc được bến, nhanh chóng cho tàu ra hải phận quốc tế đợi tới mai chuẩ bị sẵn sàng, bất cứ giá nào cũng vào tìm bến cho bằng được”.

Đang chờ đợi căng thẳng, trong ánh sáng tờ mờ thì phát hiện được một thuyền đánh cá của hai ngư dân đang thả lưới. Anh quyết định cho tàu cập mạng, mục đích là bắt họ dẫn tàu vào vùng giải phóng. Đồng thời cho hai đồng chí quê miền Nam xuống thuyền dân hỏi : “Căn cước đâu?” họ bảo: “Chiều nay Quốc gia và giải phóng đánh nhau hai anh em sợ quá xuống thuyền ra biển không mang theo”.
 
Nghe hai người trả lời, lòng anh nhẹ nhõm vì nghĩ rằng có vùng giải phóng ở đây rồi. Anh liền nói lớn bằng chất giọng miền Trung: “Chúng tôi là tàu chở thuê cho bọn chủ, muốn tiếp tế số hàng này cho cách mạng, bà con bỏ lưới đưa chúng tôi vào bờ sau này thành công họ đền bù cho”. Thế là họ đưa đường tàu ta vào Rạch Góc, bắt liên lạc với bến.

Đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy bến mừng quá ôm hôn từng người và xúc động nói: “Trung tâm báo có tàu vào, anh em theo dõi nhưng thấy tàu to quá tưởng tàu địch không dám liên lạc, nào ngờ các đồng chí đưa tàu to vào mừng hết biết”. Theo lệnh của chỉ huy toàn bến cho xuống hang để ngụy trang trước trời sáng và đêm sau anh cùng đồng đội đưa tàu vượt biển ra Bắc, hoàn thành nhiệm vụ đưa 50 tấn vũ khí vào miền Nam an toàn.

Về đến Đồ Sơn anh vinh dự được về Hà Nội rút kinh nghiệm và được trên giao nhiệm vụ. Do yêu cầu của chiến trường phải quay vòng tăng chuyến, đồng chí về tiếp tục chỉ huy chuyến tàu thứ hai vào miền Nam càng sớm càng tốt. Lần này tàu anh có nhiệm vụ chở theo 60 tấn vũ khí vào Bến Tre,  nhưng trên đường đi bị một sự cố bất ngờ xảy ra ngay trong vùng biển địch kiểm soát. Tình thế gay go phức tạp, nhưng tàu anh đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng như lần trước, hơn một tuần vất vả vượt qua sóng gió và địch tình. Khi đến vùng biển đông Vũng Tàu, bất ngờ tàu chết máy do hết dầu. Anh bình tĩnh tổ chức anh em tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Tàu cứ thế mặc cho sóng gió đưa đẩy. Anh cho anh em lấy bạt che làm buồm cố điều khiển cho tàu ra xa bờ càng nhiều càng tốt và liên lạc về Trung tâm nhưng không có tín hiệu trả lời.

Tình thế bất lợi anh mời họp chi bộ tàu khẩn cấp ra nghị quyết lãnh đạo: “Thứ nhất: Dùng mọi hình thức ngụy trang hợp pháp để giữ bí mật, mọi cử chỉ của thuyền viên phải như một tàu đánh cá. Nếu địch vẫn phát hiện ra ta thì chiến đấu đến cùng rồi hủy tàu, kiên quyết không để rơi vào tay địch. Hai là: Nếu gặp tàu đánh cá thì tìm cách mua dầu vì ta có tiền miền Nam”.
 
Thêm mấy ngày nữa tàu lênh đên giữa biển, bỗng dưng đồng chí trước mũi tàu nghe thấy mùi dầu, kêu lên “Có dầu, có mùi dầu anh em ơi:”. Tất cả dồn về phía mũi để xem dầu ở đâu có mùi, kể cả một số anh em say sóng mấy ngày ói mệt không làm gì đươc nhưng nghe có dầu là bật dậy  ngay.

Ông Ích bên tấm ảnh cùng với đồng đội chụp lưu niệm với Bác Hồ, tại Hải Phòng, năm 1960.  Ảnh: Báo CAND
Ông Ích bên tấm ảnh cùng với đồng đội chụp lưu niệm với Bác Hồ, tại Hải Phòng, năm 1960. Ảnh: Báo CAND

 

Là một thuyền trưởng có kinh nghiệm, anh đoán ngay dầu bị chảy xuống đáy tàu rồi bốc hơi lên. Anh cho kiểm tra thấy đường ống dẫn dầu bị thủng, dầu chảy ra tàu chứ không phải hết, liền cho anh em bốc hàng hóa ở khoang giữa lên bong ngụy trang, rồi cho bịt đường ống dầu, hút dầu vào két, khởi động máy cho tàu hành trình vào gần bờ, chờ trời tối bí mật vào bến. 

Ra đi đã gần hai tuần vô cùng vất vả nhưng vào bến gặp thuận lợi, được anh em đón tiếp hết sức cảm động, ai cũng rơi nước mắt. Vì nghe trung tâm báo đã lệnh cho tàu quay ra lâu rồi nhưng không thấy về; ở bến đợi mãi không thấy ta vô đã cho một số thuyền ra biển tìm cũng không gặp, tưởng là tàu đã không còn... Khuya đêm ấy anh cùng đồng đội vượt biển trở về miền Bắc hoàn thành chuyến thứ hai đưa vũ khí vào miền Nam.
 
Từ cuối năm 1964, Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ mở rộng đánh phá ra miền Bắc, lực lượng tàu chiến của Hạm đội 7 đến vùng biển Việt Nam gần một nửa. Đặc biệt sau vụ một tàu không số của ta bị lộ ở Vũng Rô, hải quân Mỹ, ngụy phối hợp triển khai kế hoạch phong tỏa đường biển rất gắt gao. Nhiệm vụ vận chuyển chi viện miền Nam bằng tàu không số lúc này hết sức khó khăn.
 
Mặc dầu vậy nhưng với kinh nghiệm của người thuyền trưởng từng trải và đã hai lần vượt biển thành công, anh vinh dự được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp tục vận chuyển chi viện miền Nam. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” anh và đồng đội các kíp tàu bất chấp khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Và anh đã cùng với đồng đội dũng cảm mưu trí, táo bạo đưa tàu vượt biển chi viện cho chiến trường miền Nam được 7 chuyến nữa và đã thành công 5 chuyến còn 2 chuyến không thành công.

Trong những chiến công to lớn của Đoàn tàu không số, anh và đồng đội của anh đã có 9 lần vượt biển vận chuyển hơn 300 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Anh đã nghỉ hưu 35 năm nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ rõ những kỷ niệm của một thời trận mạc. Hỏi chuyện gì thì anh mới kể nhưng nói viết về anh thì anh bảo: “Chuyện đã qua rồi viết lại làm gì ...” . Vô cùng khâm phục những con người đã làm nên kỳ tích về con đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường huyền thoại.

PHAN VĂN CÚC
 


.