Sức sống Trường Sa

09:09, 01/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nếu những mầm xanh phong ba nhỏ bé, mềm mại chui lên từ lòng đảo tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và khát khao sinh tồn của cỏ cây, hoa lá, thì sự kiên cường ngày đêm bám trụ của chiến sĩ, người dân ở quần đảo Trường Sa là khát vọng sống vì sự bình yên, phồn hoa của quê hương, đất nước.

TIN LIÊN QUAN

Khúc hát đảo chìm Đá Lát

Giữa trùng khơi, đảo chìm Đá Lát giống như chiếc tàu hiên ngang giữa muôn trùng sóng nước. Ban đêm, ngọn hải đăng trên đảo Đá Lát có tầm quét ánh sáng 15 hải lý, được coi là mắt biển chỉ đường cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân; đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự an toàn của tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông của Việt Nam. Như bao đảo đá chìm ở Trường Sa, cuộc sống, sinh hoạt của lính đảo Đá Lát gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu nước ngọt và rau xanh.

Thượng úy Đoàn Văn Hiến - Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, cho biết: “Một năm, Trường Sa có duy nhất hai mùa. Mùa khô, trồng rau rất tốt, vì ít có sóng biển, với các loại mồng tơi, rau muống, cải bẹ xanh, rau dền, sâm đất... Tại “vườn rau thanh niên” trồng trong khay nhựa composite, đất mang từ đất liền ra, phát triển rất tốt.

 

Khúc hát người lính đảo.
Khúc hát người lính đảo.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có đủ rau xanh để luộc, nấu canh và ăn lẩu cá, nhưng lại thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Nước sinh hoạt đều trông cậy vào “giếng trời”. Mùa khô nào giông nhiều, xem như lính đảo tích trữ đủ nước. Nước ngọt từ đất liền ra đảo rất hạn chế. Ngược lại, vào mùa mưa, bộ đội có đầy đủ nước ngọt thì sóng to, gió lớn. Sóng biển nhiều cơn trùm kín đảo, làm rau xanh cháy rụi bởi nước biển. Xót xa lắm anh ạ! Thế là phải trồng rau lại từ đầu”.

 Đại úy Nguyễn Kiên Giang, quê huyện Hải Hậu (Nam Định), ra Đá Lát tháng 7.2015, bảo: “Năm 2015, cánh lính chúng tôi đánh được gần 700 tạ cá; trồng 824kg rau xanh các loại và gần 200kg thịt heo...  nhờ vậy, bữa ăn hàng ngày của lính được cải thiện đáng kể. Đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được quan tâm nhiều hơn. Đảo được trang bị tivi thu tín hiệu vệ tinh Vinasat, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin trong nước và thế giới. Sóng điện thoại nối dài từ Trường Sa Lớn, chỉ cần bấm số di động là quê hương, người thân như đang ở kế bên...”.

 Lính Trường Sa nói chung, lính trên đảo chìm Đá Lát nói riêng đều đen sạm, rắn chắc như cây phong ba đứng nơi đảo xa, mặc cho bão táp. Thế nhưng, nơi chân sóng, lính đảo Đá Lát tiếp khách bằng những bản tình ca đậm chất lính, những lời thơ lay động lòng người: “Em đâu biết rằng nơi anh đứng phong ba/ Biển mặn hơn vì máu bao người đã ngã/ Để bình yên nơi quê hương là đường khuya anh vất vả/ Rát mặt mưa dày canh bóng thù xa/ Em đâu ngờ rằng công anh vác đá xây Trường Sa/ Để dựng lên bao ngôi nhà giữa biển/ Những thuyền rồng là tàu anh thẳng tiến/ Ra giữ miền biển đảo quê hương...”.

Lập nghiệp trên đảo

 Ở Trường Sa bây giờ, ngoài những người lính ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc biển, vùng trời của Tổ quốc, thì sát cánh cùng họ còn có những người dân trong những “ngôi làng lập nghiệp” trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn. Khi đặt chân đến “làng lập nghiệp” ở Trường Sa Lớn, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những căn nhà mái ngói khang trang có đầy đủ cổng tường như nơi đất liền.

Mỗi căn nhà rộng khoảng 100m2, gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và công trình phụ, được thiết kế khép kín. Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng các hộ gia đình trên đảo luôn đầy ắp niềm vui.

Ở “làng lập nghiệp”, công việc chính của những người đàn ông là ra khơi giăng lưới, đánh bắt cá tôm, còn những người phụ nữ thì ở nhà nội trợ, trồng rau, chăn nuôi và chăm sóc con cái. Mỗi buổi chiều về, đánh được con cá ngon, họ đều chia sẻ cho nhau như người thân trong nhà. Các gia đình đều yêu quý nhau tựa như những người ruột thịt.

Anh Võ Thanh Hòa, một người dân trên đảo Trường Sa Lớn, chia sẻ: “Nếu trước đây sống ở đất liền, những lúc đau ốm, khó khăn sẽ có họ hàng, nội ngoại hai bên cậy nhờ, thì nay ở trên đảo, chúng tôi cùng tựa vào nhau mà sống. Nhà nào có niềm vui thì cùng chia sẻ, có nỗi buồn lại động viên nhau vượt qua, chẳng khác nào anh em trong một đại gia đình”.

 Dẫu đối diện với nhiều sóng gió, nhưng cuộc sống của người dân ở “làng lập nghiệp” vẫn cứ bình yên, hiền hòa như ở những làng biển nơi đất liền. Vợ chồng chị Lê Thị Hoa, một hộ dân ở thị trấn Trường Sa, tâm sự: “Ngày mới ra đảo, nhìn bốn bề chỉ một màu xanh thẳm, cả một vùng biển rộng lớn chỉ có vài chiếc thuyền qua lại, tôi tưởng cuộc sống sẽ rất buồn chán. Lúc ấy tôi nghĩ, gia đình sẽ khó mà trụ tại đây lâu được. Thế nhưng, nhập cuộc rồi mới biết, mọi sinh hoạt của người dân trên đảo diễn ra hết sức vui vẻ và sinh động. Sống giữa tình cảm chan hòa với hàng xóm láng giềng và mối gắn kết bền chặt với các chiến sĩ, tôi không hề có cảm giác khác biệt so với đất liền”.
 
Cây xanh, điện và nước đều có

 Đặt chân lên đảo Trường Sa Đông, điều đầu tiên khiến chúng tôi ngỡ ngàng là cây xanh được trồng khắp đảo, tán lá sum suê. Dưới sân từng dãy bàn ghế đá được đặt ngăn nắp, làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện.

Cùng với các chiến sĩ cần mẫn chăm sóc từng cây bàng vuông mới trồng, trung tá Hoàng Văn Hạnh - Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, cho biết: “Những năm trước, toàn bộ cây con giống đều đưa từ đất liền ra đảo, nhưng bắt đầu từ năm 2016, chúng tôi đã ươm chiết được gần 200 cây tra và cây bàng vuông để phủ xanh đất đảo. Trồng và chăm sóc cây xanh trên đảo là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện”.

Đảo Trường Sa Đông rợp bóng cây xanh.
Đảo Trường Sa Đông rợp bóng cây xanh.


 Trong những chuyến công tác ra Trường Sa, tận mắt chứng kiến và chia sẻ khó khăn với cán bộ, chiến sĩ nơi đây, một nhóm các nhà khoa học trẻ của Liên hiệp các tổ chức Khoa học Hà Nội, cùng một số doanh nghiệp đã nhiên cứu, chế tạo và lắp đặt trên đảo Trường Sa Đông hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, chạy bằng năng lượng mặt trời, với công suất 60 lít/giờ. Mỗi ngày, hệ thống này hoạt động liên tục 10 giờ đồng hồ. Nước biển sau khi được máy đưa vào hệ thống lọc, sẽ tự động tách bỏ cặn bã và các thành phần không cần thiết, chỉ giữ lại phần nước ngọt, nấu cơm, pha trà hay dùng để tăng gia sản xuất đều được.

 Một trong những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông là hệ thống điện gió. Nhìn từ xa, hệ thống trụ điện gió như những cánh tay khổng lồ, đón nhận dòng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường được thiên nhiên ban tặng.

Thượng úy Hà Văn Cường, cán bộ phụ trách năng lượng sạch đảo Trường Sa Đông, cho hay: Hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời lắp đặt khắp nơi trên đảo, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường cho tất cả các hoạt động, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo suốt 24/24 giờ. Công trình đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện trên thao trường.

 Sức sống mãnh liệt trên quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Trường Sa Đông nói riêng còn thể hiện bởi thành quả lao động của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thời tiết khắc nghiệt là thế, nhưng vườn rau thanh niên vẫn mơn mởn tươi xanh với đầy đủ các loại rau xanh; khu chăn nuôi tập trung có hàng trăm con gia súc, gia cầm. Sự kiên nhẫn và nghị lực của cán bộ, chiến sĩ đã biến Trường Sa Đông trở thành một hòn đảo tràn đầy sức sống giữa trùng khơi.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU


 


.