"Mô hình số 4" của lính phòng không

06:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình huấn luyện, việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật phù hợp với thực tế tại mỗi đơn vị luôn được các đơn vị bộ đội động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ thực hiện. “Mô hình số 4 sử dụng động cơ một chiều” của trung úy Lê Ly Kha – Đại đội phó Đại đội pháo phòng không trên đảo Lý Sơn là một trong số đó.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Kha hào hứng chia sẻ về mô hình sáng kiến của mình vừa đạt giải nhất cấp Bộ CHQS tỉnh, giải ba Quân khu 5 và được cấp bằng sáng chế. Dùng bút phát họa mô hình trên giấy, đại đội phó Lê Ly Kha thuyết minh về cơ chế hoạt động của dụng cụ do mình sáng kiến. Thiết bị này có 3 phần chính gồm: Bệ đỡ, động cơ và sào chuyển động giữa tâm và hướng. Vai trò của thiết bị là để xác định phương, chiều vận động của mục tiêu, đảm bảo yêu cầu huấn luyện đạt độ chính xác tuyệt đối. Thiết bị còn có ưu điểm là huấn luyện được vào ban đêm. Kha giải thích, sở dĩ có tên gọi “mô hình số 4 sử dụng động cơ một chiều” là vì thiết bị huấn luyện cho pháo thủ số 4 pháo phòng không tại đơn vị.

Trung úy, Đại đội phó Lê Ly Kha mô tả và thuyết minh về mô hình số 4 động cơ một chiều do mình sáng chế.
Trung úy, Đại đội phó Lê Ly Kha mô tả và thuyết minh về mô hình số 4 động cơ một chiều do mình sáng chế.


Để hoàn thành được mô hình đưa vào áp dụng, anh mất gần 5 tháng (từ cuối năm 2014- 4.2015). Trung úy Kha tính toán, chi phí để hoàn thành thiết bị chỉ khoảng trên dưới một triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian lắp ráp bằng cách hàn các giá đỡ phải điều chỉnh nhiều lần, nhất là phần động cơ, để đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. “Thiết bị phải hoạt động ổn định, độ chính xác cao, nên tất cả các động cơ tìm kiếm được đều không phù hợp với vận tốc theo yêu cầu. Lúc đầu, thì bộ phận động cơ cháy hỏng liên tục, nên phải thay thế nhiều lần, mất thời gian. Nhưng cuối cùng thì cũng “độ chế” thành công cho tốc độ vòng quay của động cơ phù hợp với tính toán của mình”, anh Kha kể.

Với nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển từng giờ, từng phút, nên công tác huấn luyện đối với bộ đội pháo phòng không luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, trong quá trình chỉ huy huấn luyện, tôi có ý tưởng, nghiên cứu mô hình để phục vụ nhiệm vụ huấn luyện tại đơn vị đạt kết quả cao nhất. Thực tế huấn luyện trong điều kiện cụ thể thì mới hình thành được ý tưởng, chứ bình thường thì không nghĩ ra được sáng kiến gì, anh Kha cho biết khi được hỏi về dự định nghiên cứu của anh trong thời gian đến.

Được biết, ngoài mô hình số 4 sử dụng động cơ một chiều phục vụ huấn luyện cho pháo thủ, trung úy Kha đã từng nghiên cứu cải tiến bộ phận chiếu sáng máy ngắm pháo phòng không 37 ly phù hợp với điều kiện huấn luyện tại đơn vị. Cải tiến này được cấp trên chấp nhận, đưa vào huấn luyện tại đơn vị thời gian qua.

Tốt nghiệp Học viện Phòng không không quân, nên các loại vũ khí liên quan anh đều nắm được. Tuy nhiên, với yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện thực tế của đơn vị, nhiệm vụ nâng cao trình độ thao tác trong quá trình sử dụng vũ khí, đảm bảo độ chính xác cao cho bộ đội được quan tâm, nên các sáng kiến, mô hình của anh Kha ra đời cũng không ngoài mục đích ấy.   
   

Bài, ảnh: X.THIÊN
 


.