Kể chuyện đánh Mỹ

09:08, 18/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu 50 năm đã trôi qua từ ngày diễn ra trận Vạn Tường lẫy lừng, nhưng ký ức về chiến công chói lọi ấy vẫn in hằn trong tâm trí những cựu chiến binh kiên trung, gan dạ. Từng khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết trong trận đánh “không cân sức” được tái hiện rất đỗi oai hùng qua lời kể đầy lôi cuốn của những con người đã hiên ngang bước qua cuộc chiến.

Một tấc không đi…

 

Anh hùng LLVTND Phạm Dậu kể lại những ngày đánh Mỹ.
Anh hùng LLVTND Phạm Dậu kể lại những ngày đánh Mỹ.

Nhắc đến trận Vạn Tường cách đây 50 năm, không thể không nhắc đến lực lượng hùng hậu mà quân đội Mỹ đưa vào tham chiến. Hơn 8.000 quân của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ, 100 máy bay trực thăng, 70 máy bay phản lực, 6 tàu đổ bộ và 5 pháo hạm cùng nhiều phương tiện chiến tranh có sức mạnh khủng khiếp. Ấy vậy mà, với tinh thần dũng cảm kiên cường, Bộ đội chủ lực Quân khu 5 phối hợp với Bộ đội chủ lực tỉnh, huyện Bình Sơn và dân quân du kích các xã khu đông huyện Bình Sơn đã chiến đấu hết sức ngoan cường, làm nên chiến thắng vẻ vang.

Năm nay đã 83 tuổi, đôi chân bước đi khó khăn, chậm chạp do di chứng của chiến tranh, nhưng Anh hùng LLVTND Phạm Dậu ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) vẫn rất sôi nổi khi kể về trận đánh Vạn Tường. Lật giở từng trang ký ức, Anh hùng Phạm Dậu kể: “Ngày đó, ông là du kích xã Bình Hòa. Vạn Tường được đánh giá là vùng đất có ý nghĩa quan trọng của quân đội ta, làm bệ phóng để đánh thốc vào sân bay Chu Lai, căn cứ của địch. Do đó, Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 được điều về đây đóng quân, để chuẩn bị cho mục tiêu ấy. Thế nhưng, Mỹ đã buộc ta phải chọn Vạn Tường là nơi “viết sử” cho sự thất bại đầu tiên của chúng ở miền Nam chúng ta”.

Ngừng một lát, bỗng giọng Anh hùng Phạm Dậu đanh lại: “Sáng 18.8, địch nổ súng, máy bay gầm rú khắp bầu trời, đạn pháo không ngừng bắn về phía ta. Với ưu thế về vũ khí, Mỹ bắn rát lắm, nhưng anh em du kích và bộ đội chủ lực kiên cường phối hợp chiến đấu, quyết giữ từng tấc đất của quê hương. Chỉ trong một ngày chiến đấu, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã loại khỏi vòng chiến 919 tên địch, bắn rơi 13 máy bay, bắn cháy 22 xe tăng. Trận Vạn Tường đã làm nức lòng nhân dân cả nước, là dấu son trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Thanh ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) khi ấy mới 24 tuổi, được điều động từ bộ đội chủ lực tỉnh tăng cường về bộ đội chủ lực Quân khu 5 được tròn tháng, thì tham gia trận Vạn Tường. Đơn vị của ông đánh địch ở khu vực thôn Lộc Tự, xã Bình Hòa và ông là xạ thủ trung liên. Ông nhớ lại trong niềm hãnh diện của người lính: “Dù hỏa lực của địch rất mạnh, nhưng chẳng ai nao núng cả. Với ý chí quyết tâm đánh giặc, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, tổ chức tấn công địch, gây cho chúng nhiều tổn thất”.

Bình dị mà kiên trung

Cựu chiến binh Tống Xuân Mai nhớ lại trận đánh Vạn Tường.
Cựu chiến binh Tống Xuân Mai nhớ lại trận đánh Vạn Tường.


Trong trận Vạn Tường, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, còn có sự tham gia của lực lượng du kích địa phương, các chị, các mẹ ở xã Bình Hòa, Bình Đông, Bình Hải, Bình Phước… đã cùng chiến đấu, tham gia làm công tác liên lạc, hậu cần, vận chuyển thương binh, góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử. Nhiều con người rất đỗi bình dị, nhưng khi đối đầu với địch thì lại mạnh mẽ, kiên trung.

Cựu chiến binh Tống Xuân Mai (78 tuổi) ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn), khi ấy là xã đội trưởng xã Bình Hải, đã sát cánh cùng với bộ đội  chủ lực đánh trả từng đợt tấn công của địch. Cựu chiến binh Tống Xuân Mai nhớ lại: “Hồi đó, địch vừa đổ quân xuống cánh đồng là dàn hàng ngang bắn phá. Có người hỏi tôi: “Có sợ không?”. Không chút do dự, tôi bảo: “Có gì mà phải sợ”. Được kề vai chiến đấu cùng với bộ đội chủ lực và đánh bại quân thù là niềm vinh hạnh trong cuộc đời mình. Khí thế chiến đấu của quân ta khi ấy dâng cao lắm, người tấn công, người yểm trợ rất hợp lý nên địch phải rút lui”.

Đến Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường ở xã Bình Hải (Bình Sơn), nhiều chứng nhân của trận đánh năm xưa được vinh danh bằng những tấm ảnh lớn treo trang trọng trong phòng trưng bày. Trong đó có các chị, các mẹ: Trương Thị Tân, Phạm Thị Kiểm, Trần Thị Mùi, Phạm Thị Minh Thức… Theo chỉ dẫn của cán bộ bảo tàng, chúng tôi tìm về nhà bà Trương Thị Tân ở thôn Vạn Tường (Bình Hải), người đã cứu nhiều thương binh trong trận Vạn Tường. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, tóc đã điểm bạc của người phụ nữ gần 70 tuổi, không ai nghĩ đây đã từng là cô gái đưa hơn 40 cán bộ, chiến sĩ vượt khỏi vòng vây của quân đội Mỹ.

 Bà Tân nhớ lại: “Ngày 18.8.1965, khi chiến sự đang nổ ra ác liệt, tôi nhận nhiệm vụ dẫn đường cho 40 anh em của Trung đoàn 1 rời khỏi công sự, chiến hào, thoát khỏi vòng vây của Mỹ. Trên đường về thôn Thanh Thủy, phát hiện quân Mỹ phục kích, tôi liền đưa mọi người chuyển hướng về thôn An Cường, giúp anh em được an toàn”. Bà Tân kể, sau ngày 18.8.1965, có một chiến sĩ bị thương, nhưng còn mắc kẹt trong căn hầm bí mật của gia đình ông Khanh. Thấy vậy, bà Tân cùng ông Khanh chăm lo cho người chiến sĩ ấy đến khi anh được đơn vị đón đi.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU


 


.