40 năm một chặng đường vẻ vang

10:03, 25/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày 30.4.1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất, non sông thu về một mối. Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã huy động sức người, sức của tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Trước giai đoạn mới của cách mạng cả nước, các thế lực phản động lại ra sức phá hoại quyết liệt hơn bằng nhiều hình thức như: Tác động tâm lý, chia rẽ, chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng... Đây cũng là giai đoạn Công an Quảng Ngãi phải đương đầu với nhiều nhiệm vụ phức tạp.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Ngãi có trên 400 chiến sĩ an ninh đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Số ít đồng chí may mắn được trở về thì phải mang trên mình nhiều thương tật.

Một thời không quên    

Chúng tôi may mắn có dịp gặp ông Trần Văn Hồng (74 tuổi), nguyên Trưởng Ban An ninh huyện Đông Sơn cũ và ông Nguyễn Duy Hà (73 tuổi), nguyên Phó Ban An ninh huyện Sơn Tịnh. Cả 2 ông đều sống tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Mặc dù, chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những ký ức ngày xưa vẫn còn như in trong tâm trí của cả 2 ông. Dẫn chúng tôi đến Nghĩa trang xã Tịnh Hòa, ông Hà cho biết: Những bia mộ liệt sĩ ở đây đa phần là đồng đội cũ của ông. Họ cùng vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai từ trong chiến tranh gian khó, sẵn sàng giúp đỡ tương thân tương ái trong những trận tuyến khó khăn. Vì vậy, tình đồng chí, đồng đội vẫn luôn son sắt theo dòng chảy thời gian. Mỗi khi có dịp, ông và ông Trần Văn Hồng vẫn thường đến nghĩa trang này để thắp nén hương tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng đội của mình. Đối với các ông những khoảnh khắc hào hùng khi còn hoạt động cách mạng ngày ấy vẫn như còn vang vọng mãi.

Ông Bùi Huy Thọ đang kể rất tỉ mỉ các câu chuyện thông qua những kỉ vật thời chiến.
Ông Bùi Huy Thọ đang kể rất tỉ mỉ các câu chuyện thông qua những kỉ vật thời chiến.


Là người trực tiếp tham gia vào những trận đánh diệt ác, phá kìm, ông Trần Văn Hồng nhớ rất rõ khi kể về những nhiệm vụ mà an ninh cấp trên giao phó cho Ban An ninh huyện Đông Sơn lúc bấy giờ. Ông kể rằng, năm 1970, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ, 9 xã phía đông Sơn Tịnh, 7 xã phía đông Bình Sơn và 2 xã An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn) được sáp nhập thành huyện Đông Sơn.

Cũng từ đó, Ban An ninh huyện Đông Sơn ra đời. Từ năm 1970 đến năm 1975, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Sơn và an ninh cấp trên, lực lượng an ninh Đông Sơn đã độc lập tác chiến và phối hợp tác chiến bằng nhiều hình thức vừa đánh vừa củng cố, xây dựng lực lượng, đánh phục kích, đánh lót, đánh hóa trang làm cho địch bất ngờ không kịp đối phó. Cùng với đồng đội, các ông còn sử dụng vũ khí tự tạo đánh vào các cơ quan xã, tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng, làm tan rã các tổ chức phản động của địch, thu giữ nhiều vũ khí, tài liệu quan trọng.

Với ông Bùi Huy Thọ (88 tuổi), ở thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ), dù chiến tranh đã lùi xa nhưng cho đến giờ ông vẫn còn lưu giữ những kỷ vật thời chiến tranh. Đó là những kỷ vật theo ông suốt cả cuộc đời, mà ông luôn trân trọng giữ gìn. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông từng giữ các chức vụ Phó Trưởng Ban An ninh huyện Trà Bồng, Phó Ban An ninh Quảng Ngãi. Với vai trò người chỉ huy, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, góp phần giải phóng Quảng Ngãi.

Phát huy truyền thống anh hùng

Từ 1975 đến 1989, Ty An ninh tỉnh Quảng Ngãi sau khi sáp nhập với Ty An ninh tỉnh Bình Định thành Công an tỉnh Nghĩa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác từng bước giải quyết những vấn đề nóng bỏng và phức tạp của địa phương. Đó là, tập trung giải quyết vấn đề FULRO, củng cố chính quyền cơ sở, đấu tranh có hiệu quả với nhiều chuyên án lớn, triệt phá các tổ chức phản cách mạng, bóc gỡ một số mạng lưới tình báo, gián điệp, triệt phá băng cướp Đông Dương... đã củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền mới.

Những năm sau đó, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh vẫn khó khăn chồng chất, nhất là khu vực miền núi, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trung tá Vũ Chí Dũng-Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh, nguyên cán bộ Công an huyện Tây Trà kể lại: Lúc mới tái lập huyện, Tây Trà rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Chưa có chỗ ở, chúng tôi phải tá túc nhà dân. Địa bàn rộng lớn, địa hình đi lại khó khăn, nhưng chúng tôi động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

  40 năm, một chặng đường đầy gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Từ kết quả qua thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, được tôi luyện trong công tác, chiến đấu, Công an Quảng Ngãi đã lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm: 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 14 đơn vị và 6 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 6 Huân chương Quân công, 77 Huân chương Chiến công, gần 500 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước các loại. Nói về nhiệm vụ trong thời gian đến, Đại tá Đinh Hoài Bắc  - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Đối diện nhiều thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, lực lượng Công an Quảng Ngãi phải tiếp tục tiếp nối truyền thống vẻ vang và vô cùng quý báu của ông cha ta. Đó là truyền thống yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo trong đấu tranh chống các thế lực thù địch cũng như các loại tội phạm để giữ vững ANTT trong thời kỳ hội nhập hiện nay”.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những ký ức của một thời vàng son vẫn mãi còn in đậm trong tâm trí của những người chiến sĩ an ninh năm xưa. Những lời kể của họ sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Công an Quảng Ngãi  quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
 

Bài, ảnh: N.Thương-T.Sự

 


.