Mô hình "Tiếp sức hoàn lương":
Để người lầm lỗi không lạc bước

09:01, 30/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hoàn lương là ý nguyện của hầu hết những người sau khi mãn hạn tù. Nhưng trên bước đường tái hòa nhập cộng đồng còn lắm những gập ghềnh. Mô hình "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành ra đời như chiếc cầu nối để những người từng một thời lầm lỗi vững vàng bước chân hòa nhập với cộng đồng, nêu cao quyết tâm làm lại cuộc đời.
Thiếu hiểu biết về kỹ năng sống, kiến thức xã hội và một quá khứ lầm lỗi thực sự là những rào cản để các phạm nhân có thể tìm được một việc làm phù hợp sau khi mãn hạn tù. Khi được trở về với xã hội, họ phải đối diện với nhiều nỗi lo trong tìm kiếm công ăn việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều trường hợp không có việc làm và có hoàn cảnh khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. 
 
Theo báo cáo của Công an huyện Nghĩa Hành, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện có 476 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong số đó, chỉ có số ít người có việc làm ổn định và có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, ổn định cuộc sống, không còn điều kiện tái phạm. Còn lại số đông khi trở về địa phương dường như tay trắng, phải cố làm lại từ đầu. 
 
Với con số 51% người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Và trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã có 24 đối tượng tái phạm, nguyên nhân cơ bản là do chưa tu chí cải thiện mình, mặc cảm với cuộc sống và thiếu việc làm. 
 
Những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn được tặng sổ tiết kiệm cho
Những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn được tặng sổ tiết kiệm.
 
Để góp phần giải quyết thực trạng đó, mô hình "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành ra đời vào ngày 27.1.2015 nhằm mục đích kêu gọi sự giúp đỡ về vận chất lẫn tinh thần của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh ghiệp, các nhà hảo tâm... giáo dục, thuyết phục cảm hóa  người lầm lỗi hoàn lương. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ về vật chất cho những gia đình có người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. 
 
Thượng tá Nguyễn Tấn Chuân- Trưởng Công an huyện Nghĩa Hành chia sẻ: Những người từng lầm lỗi tham gia mô hình này không phải để được hưởng quyền lợi, mà để thực hiện nghĩa vụ công dân của bản thân đối với gia đình và xã hội. Ở đó, họ được tạo điều kiện để thực hiện trách nhiệm của mình trong môi trường lành mạnh. 
 
Từng một thời lầm lỗi, anh Nguyễn Phú Quốc- ở xã Hành Phước hiểu rõ những khó khăn mà những người khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. "Con người ai cũng có mong muốn được hướng thiện, nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đã đưa đẩy nhiều người trở thành tội phạm. Với những người mới ra tù, được trở lại làm công dân bình thường, cái họ cần nhất là sự chia sẻ và giúp đỡ của gia đình và xã hội để có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hy vọng, mô hình "Tiếp sức hoàn lương" ra đời sẽ tạo điều kiện cho những con người lầm lỗi như tôi xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời"- anh Quốc bày tỏ.
 
Tặng quà cho con em những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn
Tặng quà cho con em những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn
 
"Qua tiếp xúc với những người tù tha, chúng tôi cảm nhận được khát khao hoàn lương của họ. Nếu chỉ có những người trong gia đình thông cảm, đón nhận họ thôi thì chưa đủ, mà cuộc sống sau ngày trở về của những người ra tù còn cần đến sự chung tay của cộng đồng xã hội để định hướng, hỗ trợ họ có lối đi đúng” - Thượng tá Chuân chia sẻ.
 
Với những ý nghĩa nhân văn của mô hình, chỉ trong mới ngày đầu ra mắt, mô hình đã đón nhận được nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi mạnh thường quân, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... ủng hộ cho mô hình để có thể hỗ trợ được nhiều hơn nữa về vật chất cũng như tinh thần cho những người chấp hành án xong có điều kiện hòa nhập cộng đồng, trở thành người tốt"- Thượng tá Chuân cho biết thêm.
 
Tất cả mới chỉ là khởi đầu, còn quá sớm để nói về thành quả mà mô hình "Tiếp sức hoàn lương" sẽ mang lại. Tuy nhiên, sự ra đời của mô hình cũng đã khẳng định được sự quan tâm của xã hội, cộng đồng đối với những người từng có thời lầm lỡ. Xuất phát từ sự cảm thông và lòng nhân ái, chắc chắn, mô hình "Tiếp sức hoàn lương" sẽ trở thành tín hiệu của niềm hy vọng.
 
Bảo Ngọc
 

.