"Binh đoàn xanh" trên cao nguyên đỏ

01:09, 29/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một ngày mùa thu, chúng tôi có dịp đến Binh đoàn 15 (Gia Lai). Dẫu một lần đến nhưng nơi ấy đã để lại trong tôi bao ấn tượng đẹp về một “Binh đoàn xanh” trên cao nguyên hùng vĩ.

Xe vừa qua khỏi đèo An Khê, đất Tây Nguyên đã hiện lên một màu xanh của cây trái. Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đóng chân trên địa bàn 266 thôn, làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Bình và thực hiện nhiệm vụ trồng mới cây công nghiệp thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, căn cứ cách mạng tại nước bạn Lào, Vương quốc Campuchia. Những năm qua Binh đoàn đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

 

Công nhân Công ty 715-Binh đoàn 15 chăm sóc cà phê.
Công nhân Công ty 715-Binh đoàn 15 chăm sóc cà phê.


Tiếp chúng tôi, Tư lệnh Binh đoàn 15, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng chỉ tay về cánh rừng cà phê đang vào thời kỳ chắc hạt, bảo: “Có được thành quả ngày hôm nay là nhờ Binh đoàn đã thực hiện tốt tôn chỉ: Kiên định mục tiêu – Vượt mọi gian khó – Gắn bó với dân – Sáng tạo chuyên cần – Đoàn kết quyết thắng”. Nhiều năm qua, Binh đoàn 15 luôn giữ vững mức tăng trưởng 15%/năm. Đời sống cán bộ, chiến sĩ, người lao động không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân hiện nay của hơn 10.000 lao động trong Binh đoàn khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Tư lệnh Binh đoàn 15 Đặng Anh Dũng thuộc công việc của Binh đoàn ông như lòng bàn tay. Với 11 công ty trực thuộc nhưng nơi nào, chỗ nào, đặc thù ra sao ông nói vanh vách. Tính đến cuối năm 2013, Binh đoàn đã trồng được hơn 41.000ha cao su; 500ha cà phê; 90ha lúa nước hai vụ. Giá trị sản xuất kinh doanh, lợi nhuận đạt hơn 110% mỗi năm. Thành tích là thế, nhưng vị Tư lệnh Binh đoàn 15 một mực khẳng định: “Người lao động và nhân dân trong vùng đã góp sức rất lớn để làm nên thương hiệu Binh đoàn 15”. Hơn 10.000 người lao động của Binh đoàn hôm nay không chỉ có cơm no, áo ấm mà tất cả họ đang hướng đến cuộc sống khấm khá, sung túc, nhờ sự giúp đỡ tạo công ăn việc làm của Binh đoàn 15.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức, quê ở Hải Dương lên làm công nhân Binh đoàn 15 đã 10 năm nay. Ngày đầu họ chỉ có hai bàn tay trắng, mà nay đã xây được nhà khang trang, sắm đầy đủ phương tiện nghe nhìn, xe máy, thu nhập ổn định, con cái được đến trường. “Cảm ơn Binh đoàn 15 đã cho chúng tôi điểm tựa vươn lên trong cuộc sống” – anh Đức nói.

Chúng tôi được đưa đi tham quan Công ty 715 trực thuộc Binh đoàn 15 nằm giáp đường biên với nước bạn Campuchia, cách thành phố  Pleiku 65km. Vào buổi chiều hơn 1.700 công nhân của Công ty rộn rã sang ca. Người vào nhà máy chế biến cao su, người tỏa ra cánh rừng cà phê bạt ngàn để chăm cành, tỉa lá. Không khí rộn ràng xóa đi cái thâm u của nơi vùng rừng thiêng nước độc ngày nào. Cà phê mùa này đang vào kỳ trĩu quả…

Binh đoàn 15 ngoài tiên phong trong làm kinh tế, còn góp công cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng. Hình ảnh người chiến sĩ Binh đoàn 15 giúp dân khai hoang, sửa nhà, làm đường, khám bệnh cấp thuốc, dạy chữ… đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân núi rừng Tây Nguyên hôm nay.

Tư lệnh Binh đoàn, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng quả quyết: “Binh đoàn 15 đã trưởng thành trong sự đùm bọc của đồng bào Tây Nguyên. Những gì giúp cuộc sống của đồng bào dù khó vạn lần chúng tôi cũng quyết tâm thực hiện”. Với phương châm “Phát triển sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn 15 đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân địa phương nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Hôm nay về Tây Nguyên, khi đặt chân đến những vùng sản xuất của Binh đoàn 15, những tàn tích chiến tranh, những gian lao cơ cực đã khuất dần dưới tán cao su, cà phê đang mùa thu hoạch. Bạt ngàn màu xanh của cà phê, cao su, lúa nước; những hạt cà phê căng mọng, những giọt mủ cao su trắng ngần có được ngày hôm nay phải đổi bằng trí lực, thậm chí là máu xương của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 những năm đầu gian khổ...  

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.