Chọn kịch bản phát triển kinh tế phù hợp

03:07, 04/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, kinh tế Quảng Ngãi đã có sự tăng trưởng ấn tượng, song vẫn thiếu sự ổn định và chưa thực sự gắn với phát triển; đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn. Những hạn chế này cần được đánh giá toàn diện và đưa ra kịch bản phù hợp để khắc phục trong giai đoạn 2021 - 2030.
 
[links()]
 
Tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững
 
Tại hội thảo đánh giá cuối kỳ Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia cho rằng, Quảng Ngãi phải đặt mình trong bối cảnh của cả khu vực 9 tỉnh miền Trung, với những đặc điểm, tình hình chung và sự khác biệt riêng của tỉnh để tạo đột phá phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi phải là tỉnh phát triển cao trong khu vực và ngang bằng với một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh cần phát triển nhanh, ấn tượng, nhưng phải hài hòa, bền vững, thân thiện với môi trường.
 
Phát triển dịch vụ logistics sẽ được Quảng Ngãi đẩy mạnh trong thời gian đến.  Trong ảnh: Một góc cảng Hòa Phát Dung Quất.             Ảnh: THANH NHỊ
Phát triển dịch vụ logistics sẽ được Quảng Ngãi đẩy mạnh trong thời gian đến. Trong ảnh: Một góc cảng Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: THANH NHỊ
Trong 10 năm qua (2010 - 2020), tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi thiếu sự ổn định: Từ năm 2010 - 2015 tăng trưởng đạt 8,4%/năm, nhưng giai đoạn sau 2016 - 2020 chỉ đạt 4,9%/năm; nền kinh tế chưa đa dạng và chủ yếu phụ thuộc vào vài doanh nghiệp (DN) lớn. Quảng Ngãi hiện đang ở mức tăng trưởng trung bình so với khu vực Duyên hải miền Trung, với tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm 3 tỉnh thấp nhất vùng, quy mô nền kinh tế đứng thứ 5/9; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 8/9; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 25% so với bình quân chung của cả nước.
 
Ngoài ra, sức lan tỏa của các vùng kinh tế động lực, gồm TP.Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn ra các khu vực khác và của các ngành nghề chủ lực (lọc dầu, luyện thép) đến xã hội còn hạn chế. Cấu trúc ngành kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp (CN) hóa, nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm, hiệu quả thấp, chưa xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất. Thương mại - dịch vụ chủ yếu phục vụ nội tỉnh và ở dưới mức tiềm năng. Các sản phẩm du lịch còn đơn giản, chưa nhận diện được thương hiệu.
 
Trong 3 kịch bản được xem xét để phát triển kinh tế Quảng Ngãi những năm tới, bao gồm: Phát triển theo hướng đa trung tâm; theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và theo hướng hài hòa và bền vững, thì Quảng Ngãi chọn "phát triển hài hòa, bền vững". Trong giai đoạn 2021 - 2030, các lĩnh vực CN nền tảng như xăng dầu, thép, đóng tàu vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của tỉnh. 
 
Đến giai đoạn sau năm 2030, dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao như CN, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, CN chế biến chất lượng cao, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Nếu theo kịch bản này, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đột phá trong ngắn hạn, nhưng sẽ ổn định, phát triển một cách hài hòa giữa các lĩnh vực theo xu hướng xanh và bền vững trong tương lai.
 
Đa dạng hóa nền kinh tế
 
“Mọi quyết tâm chính trị, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi đều hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân. Vì thế, Quảng Ngãi sẽ tiếp thu có chọn lọc những ý kiến hay, cách làm phù hợp để bổ sung, điều chỉnh trong việc đề ra mục tiêu và triển khai thực hiện giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi sẽ phải nỗ lực hết mình, gắn tăng trưởng với phát triển toàn diện, ổn định xã hội để không người dân nào bị bỏ lại phía sau".
 
Chủ tịch UBND tỉnh
ĐẶNG VĂN MINH

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kịch bản phát triển của Quảng Ngãi sẽ có tốc độ tăng trưởng chưa cao nhất, nhưng đủ tốt để đạt được khát vọng về phát triển phù hợp với xu thế của Quảng Ngãi. Kịch bản này chứa nội hàm đầy đủ những yếu tố bền vững là: Xanh, bao trùm, chất công nghệ. Trong giai đoạn 2021 - 2030, ngành CN lọc dầu, luyện thép, năng lượng vẫn là trụ cột, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Sau năm 2030, Quảng Ngãi sẽ phải giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành này; đồng thời xây dựng ngành kinh tế có khả năng chống chịu, ứng phó cao, hài hòa giữa CN - dịch vụ và nông nghiệp, thì mới có thể giảm được biến động từ bên ngoài.

 
Hiện tại, thu ngân sách của tỉnh ở mức cao, nhưng thu nội địa chủ yếu là từ dầu. Khi giá dầu thế giới tăng cao, thì thu ngân sách đạt cao và khi biến động thấp thì lập tức sụt giảm. Có 2 năm liên tiếp Quảng Ngãi hụt thu ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cũng chính là vì giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Quảng Ngãi đang phụ thuộc rất lớn vào ngành CN lọc dầu; khả năng ứng phó yếu ớt trước tác động của kinh tế thế giới. Theo TS.Nguyễn Thị Xuân Thủy - Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), xét về góc độ đóng góp cho nền kinh tế, thì lọc dầu là số 1, nhưng đây lại là ngành thiếu tính lan tỏa, do sử dụng lao động kén chọn và rất ít so với tổng thể số người dân hiện trong độ tuổi lao động của tỉnh. Do đó, sự chia sẻ về việc làm, thu nhập cho xã hội từ lọc dầu là hạn chế và chưa phù hợp với xu hướng phát triển của các nền kinh tế trong vùng, trong cả nước và trên thế giới.
 
Gia công hàng xuất khẩu tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.   Ảnh: T.Nhị
Gia công hàng xuất khẩu tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành. Ảnh: T.Nhị
Quảng Ngãi xác định, trụ cột của nền kinh tế giai đoạn 2021- 2030 là ngành năng lượng, trong đó chủ yếu là đề cập đến thủy điện, điện mặt trời và điện khí. Đối với thủy điện, hiện tại mỗi năm đóng góp vào ngân sách khoảng 350 - 400 tỷ đồng, nhưng mức độ ảnh hưởng đến môi trường và diện tích chiếm đất khá lớn so với các ngành nghề khác. Hơn nữa, nhiều hệ lụy mà một số thủy điện để lại kéo dài hàng chục năm vẫn chưa giải quyết xong. Riêng về ngành luyện thép, hiện tại vẫn đang trong quá trình thực hiện dự án và phải nhiều năm nữa mới có thể trở thành trụ cột kinh tế, song đây cũng lại là ngành chịu sự tác động lớn khi có biến động từ bên ngoài. 
 
Đến năm 2030, ngành CN dầu, luyện kim vẫn phát huy thế mạnh, nhưng phải chuyển mạnh sang CN xanh, tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ, nhất là logistics cảng biển. Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp xu hướng phát triển của thế giới. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo thay cho năng lượng thủy điện như hiện tại, phù hợp với yêu cầu thu hút DN lớn vào đầu tư. Giai đoạn chuyển đổi này rất quan trọng, để đến sau năm 2030, tỉnh phát triển đa dạng, không quá phụ thuộc vào số ít lĩnh vực như hiện tại.
 
Phát triển hài hòa, bền vững
 
Mục tiêu phát triển kinh tế mà Quảng Ngãi đặt ra đến năm 2025 là trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực duyên hải miền Trung; đến năm 2030 phát triển khá trong cả nước và kinh tế có tính bền vững cao, khả năng thích ứng với biến động từ bên ngoài. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7 - 8%/năm và CN tăng 8 - 9%/năm; trong giai đoạn từ 2026 - 2030 tăng trưởng GRDP đạt 7,5 - 8,5%/năm và CN là 8,5 -  9,5%/năm. Để đạt đến con số tăng trưởng này, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh cho cả giai đoạn vào khoảng 150 - 260 nghìn tỷ đồng.
 
Đầu tư hệ thống cấp điện cho KCN VSIP Quảng Ngãi.        Ảnh: T.Nhị
Đầu tư hệ thống cấp điện cho KCN VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: T.Nhị
Với mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Quảng Ngãi cần phải đưa vào chiến lược phát triển kinh tế thêm một số nhóm ngành nghề khác có tiềm năng và duy trì phát triển ở quy mô hợp lý. Đó là nhóm ngành nghề CN nhẹ như dệt may, da giày, điện tử, công nghệ cao; nhóm ngành nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, du lịch nông nghiệp và nhóm ngành dịch vụ cần tăng cường về bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất khẩu, phi thuế quan...
 
Cùng với đó, Quảng Ngãi phải có chiến lược phát triển lĩnh vực xã hội hài hòa. Như phát triển con người mang những tính cách đặc trưng của miền Trung, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo. "Quảng Ngãi rất cần thiết phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học từ nền tảng các trường đại học hiện có để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển CN hóa, hiện đại hóa. Sau đào tạo phải được bố trí sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển lâu dài, hạn chế lao động nhập cư vốn không mấy ổn định", TS. Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nêu ý  kiến.
 
THANH NHỊ
 
 
 
 
 
 
 

.