Hoạt động xuất khẩu: Nhiều dấu ấn mới

09:01, 13/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2021, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Quảng Ngãi đã có kết quả hoạt động khá hiệu quả, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh cán đích sớm nhất trong các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh. 
[links()]
 
Trong một năm đầy khó khăn nhưng đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã hoàn thành kế hoạch năm và đến cuối năm chạm mức 1,68 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2020, vượt 20% kế hoạch năm.
 
Cảng PTSC vừa được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.
Cảng PTSC vừa được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.
Các sản phẩm XK của Quảng Ngãi không còn đơn điệu như trước mà đã khá đa dạng. Nhiều ngành hàng có kim ngạch tăng cao trong năm 2021. Điển hình như sợi dệt và vải, ước đạt 141,8 triệu USD, tăng 94,4%; dầu FO ước đạt 67 triệu USD, tăng 79%; giày, túi xách da các loại, ước đạt 126 triệu USD, tăng 40,6%; thép ước đạt 476 triệu USD, tăng 31%; may mặc ước đạt 63 triệu USD, tăng 28%; thủy sản chế biến ước đạt 18 triệu USD, tăng 26%; đồ gỗ ước đạt 4,5 triệu USD, tăng 32,5% so với năm 2020...
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, năm 2022, Quảng Ngãi sẽ dành nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển, thu hút tàu trọng tải lớn vào xuất nhập hàng hóa. Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, dự án lớn, như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, các đề xuất dự án đầu tư của các DN Sun Group, T&T... Đây sẽ là động lực đưa kinh tế của tỉnh phát triển mạnh trong những năm đến.

Thị trường XK sẽ còn nhiều khó khăn, song vẫn có cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ tiếp tục có bước đột phá trong năm 2022. Đó là thị phần một số sản phẩm dệt may, nông sản, chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng tại các thị trường Mỹ và EU đã tăng lên. Các DN lớn như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina... đề ra mục tiêu là duy trì tốc độ phát triển từ 10 - 30% so với kết quả của năm 2021. Các DN trong KCN VSIP Quảng Ngãi hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế tạo mắt kính, giày da... cũng đã xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình mới, chuẩn bị nhập đủ nguyên liệu, sẵn sàng phục vụ các đơn hàng mới.

 
Theo kế hoạch năm 2022, nhiều DN XK của Quảng Ngãi sẽ đưa vào vận hành nhà máy mới, như: Nhà máy Toray International Việt Nam tại Quảng Ngãi; Nhà máy Sản xuất đồ nội thất Uccanyon Dung Quất. Một số nhà máy được cấp phép mở rộng quy mô như: Nhà máy Sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam - Dung Quất, Dự án Kizuna mở rộng; Nhà máy Sản xuất xăm lốp cao su Dong Ah Vina - Dung Quất; Nhà máy Sản xuất đồ nội ngoại thất Oucanyon Dung Quất; Nhà máy Sản xuất viên nén nhiên liệu chất đốt sinh học...
 
Để hỗ trợ DN XK, bên cạnh việc kết nối DN với những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Ý, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, giãn nộp thuế và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Năm 2021, tín dụng DN của Quảng Ngãi đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng; chính sách đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN thực hiện hiệu quả hơn. 
 
Ngành công thương đang tiếp tục phối hợp phổ biến sâu rộng về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để DN tranh thủ tận dụng ưu đãi thuế quan, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được ký kết trong tháng 11/2020, dự kiến có hiệu lực trong năm 2022. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trên môi trường trực tuyến. Riêng ngành hải quan cam kết sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực XK  theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.