Sáng tạo trong sản xuất công nghiệp

10:09, 20/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp đã làm lợi cho các doanh nghiệp  từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Điển hình trong hoạt động sáng tạo, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất là các doanh nghiệp như: Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina)...
[links()]
 
Giải pháp làm lợi hơn 31 triệu USD
 
Đó là giải pháp “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm dầu DCO, đáp ứng tiêu chuẩn nền FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO” của kỹ sư Nguyễn Hoàng Tri và cộng sự công tác tại BSR - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Đây là một trong 3 giải pháp đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (2020 - 2021) vừa được tổ chức.
 
Kỹ sư làm việc tại Doosan Vina vận hành máy đột đa năng ở xưởng MHS.                      Ảnh: D.S
Kỹ sư làm việc tại Doosan Vina vận hành máy đột đa năng ở xưởng MHS. Ảnh: D.S
Anh Nguyễn Hoàng Tri cho biết, từ khi phân xưởng RFCC - trái tim của NMLD Dung Quất đưa vào chạy thử (tháng 4/2009) và vận hành thương mại, nhiệt độ điểm chớp cháy của dầu DCO không đạt được giá trị thiết kế 1000C và có nhiều thời điểm xuống thấp hơn giá trị tiêu chuẩn 490C. Có lúc chỉ tiêu này xuống dưới 460C, là ngưỡng an toàn tối thiểu cho phép tương ứng với điều kiện lưu chứa trên thực tế của sản phẩm này tại khu vực bể chứa sản phẩm. 
 
Để giải quyết vấn đề này, nhà máy phải trộn thêm phân đoạn residue tại phân xưởng CDU (là nguyên liệu có giá trị kinh tế cao của phân xưởng RFCC) vào phân đoạn DCO. Trong khi đó, việc phối trộn residue chất lượng cao vào dầu DCO và bán với giá của dầu FO sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực làm việc và mạnh dạn đưa ra giải pháp cải thiện thành công chỉ tiêu nhiệt độ chớp cháy của phân đoạn DCO mà không cần phải phối trộn residue.
 
Trưởng ban Nghiên cứu phát triển BSR Lê Hải Tuấn nhận định, đây là giải pháp kỹ thuật rất sáng tạo và có hiệu quả cao. Ngoài việc giảm giá thành sản xuất và nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm dầu FO, giải pháp còn có ý nghĩa then chốt góp phần nghiên cứu và sản xuất thành công 1 chủng loại sản phẩm mới là dầu MFO đáp ứng tiêu chuẩn IMO-2020. Giải pháp này đã giúp BSR tiết kiệm khoảng 11,6 triệu USD từ việc ngừng phối trộn residue vào dầu DCO; đồng thời có thể đem lại cho BSR khoản lợi ích kinh tế xấp xỉ 19,5 triệu USD/năm từ việc bán sản phẩm dầu MFO so với sản phẩm FO 180 cS.
 
Nhiều sáng kiến mang tính đột phá
 
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12 (2020 - 2021), Doosan Vina có 8/8 giải pháp gửi dự thi đều đoạt giải, gồm 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Nổi bật trong số đó là giải pháp “Thiết kế, chế tạo máy đột đa năng” (giải Nhì) của tác giả Đàm Việt Khoa cùng cộng sự.
 
Kỹ sư Đàm Việt Khoa cho biết, năm 2020, Doosan Vina cùng lúc thực hiện nhiều dự án như: Nhiệt điện Văn Phong; Gemalink 6 Cẩu RMQC; Samsung CFP và Dự án IUK. Trước khối lượng công việc rất lớn và tiến hành đồng thời đã gây nhiều khó khăn cho đội sản xuất trực tiếp, nên tôi và cộng sự đã tiến hành thảo luận phương án để thiết kế một thiết bị đáp ứng yêu cầu công việc; từ đó tiến hành chế tạo máy đột đa năng, với nhiều công đoạn và giải pháp kỹ thuật sáng tạo.
 
“Kết quả đạt được sau khi ứng dụng máy đột mới vào gia công cho 4 dự án là tiết kiệm trên 10 nghìn giờ công; tiết kiệm chi phí đầu tư cho thiết bị tương đương, chi phí mua dụng cụ. Cùng với đó là rút ngắn 50% thời gian gia công, tương đương 96 ngày cho 4 dự án và công nhân làm việc cũng an toàn hơn. Tổng hiệu quả kinh tế của máy đột đa năng khi ứng dụng gia công cho 4 dự án là trên 5 tỷ đồng”, kỹ sư Đàm Việt Khoa chia sẻ.
 
Bên cạnh giải pháp “Thiết kế, chế tạo máy đột đa năng”, Doosan Vina còn có cải tiến “Ứng dụng hệ thống Barcode vào công đoạn đóng gói và vận chuyển sản phẩm” của nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Tiến, Nguyễn Công Huế, Đoàn Vĩnh Hùng, Nguyễn Duy Trung Vĩ và Lê Thị Duy Huyên, đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 12.
 
Năm giải pháp đoạt giải Nhì và Ba của Doosan Vina đã được chọn gửi tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16.
 
 PHẠM DANH
 
 
 

.