Ngăn chặn mua bán vật liệu nổ trái phép: Cuộc chiến cam go

03:08, 25/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép vật liệu nổ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chuyên án, vụ án được thành lập, triệt phá và thu giữ số lượng lớn vật liệu nổ. Tuy nhiên, việc đấu tranh với đối tượng vi phạm pháp luật lĩnh vực này còn nhiều cam go, phức tạp.
[links()]
Thủ đoạn tinh vi
 
Ngày 5/6, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ (BĐBP tỉnh) mật phục bắt quả tang đối tượng Lê Văn Châu, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang vận chuyển trái phép 100m dây cháy chậm, 2.000 kíp nổ. Khám xét nơi ở của ông Châu, lực lượng biên phòng tiếp tục thu giữ 250m dây cháy chậm và 4.250 kíp nổ.
 
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ đối tượng Lê Văn Châu cùng kíp nổ tàng trữ trái phép.                     Ảnh: K.T
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ đối tượng Lê Văn Châu cùng kíp nổ tàng trữ trái phép. Ảnh: K.T
Theo nội dung khai báo với cơ quan chức năng, ông Lê Văn Châu mua vật liệu nổ của một đối tượng ở ngoài tỉnh đưa về nhà, rồi tiếp tục vận chuyển bán lại cho bà T sử dụng khai thác hải sản. Trong lúc đi giao hàng, ông Châu bị lực lượng BĐBP bắt giữ. Căn cứ lời khai của ông Châu, trinh sát tiến hành xác minh, điều tra làm rõ đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép vật liệu nổ, nhưng con người, địa chỉ ông Châu cung cấp cho cơ quan điều tra đều không có thật. Trong suốt thời gian làm việc với lực lượng BĐBP, ông Châu chỉ thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, còn quá trình mua bán, giao dịch với các đối tượng khác đều tìm cách né tránh, che giấu đồng phạm.
 
Thượng tá Trịnh Chí Tàu - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm cho biết, cách ông Châu khai báo là một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt giữ. Mặt khác, để che đậy hành vi phạm pháp của bản thân và đồng phạm, các đối tượng cấu kết, hình thành đường dây khép kín, từ đầu mối cung cấp cho đến khâu tiêu thụ. Khi bị phát hiện, chúng cắt đứt liên lạc, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
 
Diễn biến phức tạp
 
Qua theo dõi và tiếp xúc hồ sơ các vụ án cho thấy, vật liệu nổ do các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ cung cấp cho người sử dụng phần lớn là phế liệu sót lại từ chiến tranh và vật liệu nổ công nghiệp. Nhiều loại kíp nổ, ngòi nổ và dây cháy chậm còn nguyên đai, nguyên kiện nhưng đều không có nguồn gốc, xuất xứ. Vật liệu nổ phi pháp luôn hướng đến ngư dân khai thác hải sản. Vì vậy, các đối tượng mua bán vật liệu nổ luôn tìm cách móc nối, dụ dỗ, lôi kéo ngư dân vào đường dây tiêu thụ của chúng. Để tránh bị phát hiện và điều tra nguồn gốc, sau khi thu gom, các đối tượng phân tán cất giấu nhiều nơi. Khi bị bắt giữ, chúng manh động chống trả quyết liệt lực lượng thực thi nhiệm vụ hoặc tìm cách tẩu tán tang vật nhằm xóa dấu vết.
 
"Đối tượng mua bán thuốc nổ rất manh động. Chúng sẵn sàng sử dụng các hung khí nguy hiểm để tấn công lại lực lượng chức năng. Cho nên, khi triển khai nhiệm vụ vây bắt, đơn vị xây dựng kế hoạch, trang bị các loại công cụ hỗ trợ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Khi đối tượng có hành động chống đối thì sử dụng các biện pháp mạnh để khống chế", Thiếu tá Lâm Văn Viễn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Kỳ, nói.
 
Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm BĐBP tỉnh xác lập từ 1 - 2 chuyên án triệt phá nhiều vụ án và thu được khối lượng lớn vật liệu nổ. Đại tá Nguyễn Văn Cảnh - Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ đã tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh với đối tượng mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ trên địa bàn. Trong năm 2020 - 2021, BĐBP tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã đấu tranh thành công 2 chuyên án, thu giữ hàng tấn thuốc nổ, hàng nghìn kíp nổ.
 
X. THIÊN - K. TOÀN
 
 
 

.