Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

08:08, 13/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với kênh phân phối truyền thống, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Những kết quả khả quan trong hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều, hành tím, bưởi da xanh... trên sàn TMĐT là động lực để tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết bài toán thị trường.
[links()]
Khi cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động đến mọi hoạt động của đời sống, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán thị trường của chính mình. Trong đó, phổ biến nhất là việc nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã và đang lập các trang bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... để đẩy mạnh việc quảng bá, bán nông sản trên môi trường mạng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kênh phân phối sản phẩm nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu, bởi sản lượng nông sản thu hoạch vào mùa thường rất lớn. Do vậy, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT là giải pháp giúp người nông dân phát triển, mở rộng thị trường và đẩy mạnh việc tiêu thụ, tránh ùn ứ nông sản vào mùa thu hoạch.
 
Hiện 1.800 tấn tỏi Lý Sơn đang tồn đọng rất cần được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử để có thêm kênh tiêu thụ.  Ảnh: Ý THU
Hiện 1.800 tấn tỏi Lý Sơn đang tồn đọng rất cần được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử để có thêm kênh tiêu thụ. Ảnh: Ý THU
Minh chứng rõ nét nhất về vai trò của sàn TMĐT trong tiêu thụ nông sản có thể kể đến bài học kinh nghiệm trong tiêu thụ vải thiều giúp nông dân tỉnh Bắc Giang vào tháng 6 vừa qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết 215.000 tấn vải thiều, thu về hơn 6.800 tỷ đồng. Trong thành công đó, phải kể đến việc lần đầu tiên từ trước tới nay, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách có bài bản, đồng loạt trên 7 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, gồm Sendo.vn, Voso.vn, Alibaba.com, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn và Postmart.vn. Việc Bắc Giang chủ động phối hợp, áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ là hướng đi mới, phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, qua đó góp phần tăng sản lượng tiêu thụ cho người nông dân, thay vì chỉ bám vào kênh bán hàng truyền thống như trước.
 
Cùng với vải thiều Bắc Giang, nhiều loại nông sản đặc trưng của nhiều địa phương như mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), dừa xiêm và bưởi da xanh (Tiền Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhãn lồng (Hưng Yên)... cũng đã được phân phối trên nhiều sàn TMĐT lớn từ tháng 4/2021. Các nông sản này khi bày bán trên sàn TMĐT đều được các sàn đồng hành, kích cầu bằng cách đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng.
 
Đồng hành cùng người nông dân trong đưa nông sản lên sàn TMĐT, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn. Kế hoạch hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, giúp hộ sản xuất tăng kênh phân phối, mở rộng thị trường, không phụ thuộc vào khâu trung gian. Để hộ sản xuất nông nghiệp phát triển tốt gian bán hàng của mình trên sàn TMĐT, Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số...
 
Từ sự trợ lực này, cùng với tín hiệu khả quan trong tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT mà nhiều tỉnh, thành phố đã và đang hỗ trợ nông dân triển khai, Quảng Ngãi cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa trong đồng hành, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT. Trong đó, không quá phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống, mà chủ động phát triển nhiều kênh bán hàng, nhất là bán hàng trên sàn TMĐT là giải pháp hàng đầu trong việc giúp nông dân chủ động được đầu ra cho nông sản. Như đặc sản tỏi Lý Sơn, dù từng nằm trong “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam”, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng, dẫn tới 1.800 tấn tỏi khô của nông dân bị ứ đọng, bí đầu ra. Trước đó, nhiều nông sản khác của tỉnh như dưa hấu, muối Sa Huỳnh... cũng đều rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá, bí đầu ra”... Vì vậy, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là cần thiết, để tránh những điệp khúc trên cứ mãi lặp lại!
 
 Ý THU
 
 
 

.