Hoạt động thương mại bắt đầu khởi sắc

04:03, 22/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những tháng đầu năm 2021, hoạt động thương mại của Quảng Ngãi bắt đầu khởi sắc sau một thời gian tăng trưởng âm. Đây là tín hiệu vui, tạo đà tăng trưởng mạnh trong những tháng tiếp theo, khi dịch Covid-19 có thể được khống chế.
[links()]
Những tín hiệu vui
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 14.000 tỷ đồng, đạt khoảng 25% so kế hoạch năm, tăng xấp xỉ 4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 400 triệu USD, tương đương 30% kế hoạch năm, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như thủy sản chế biến, tinh bột mì, đồ gỗ, dăm gỗ nguyên liệu giấy, may mặc, sợi dệt các loại, thép; trong đó, hai mặt hàng là tinh bột mì và thép tăng hơn 100% so cùng kỳ năm 2020. Con số tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại không phải quá cao, nhưng đây là mốc quan trọng đánh dấu sự khởi sắc trở lại sau nhiều tháng liên tiếp sụt giảm. 
Gia công hàng xuất khẩu bằng dây chuyền may tự động tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.
Gia công hàng xuất khẩu bằng dây chuyền may tự động tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.
Giám đốc Công ty CP May Vinatex Nghĩa Hành Đặng Trọng Tâm cho biết: "Một số nước Châu Âu đã kiểm soát được dịch Covid-19, kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục. Vì thế, các mặt hàng may gia công xuất khẩu như áo Jacket, quần áo thể thao, thời trang du lịch... đang có nhu cầu tăng cao. Hiện công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn với các đối tác, nên phải tập trung tuyển dụng công nhân, mở rộng dây chuyền, nhất là dây chuyền tự động hóa, để đảm bảo đủ lượng hàng giao theo hợp đồng đã ký".
 
Các nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam ở Quảng Ngãi như các Vinatex Đức Phổ, Dung Quất, Tư Nghĩa, Công ty May Hòa Thọ cũng đang vào cao điểm sản xuất, để đảm bảo đủ nguồn hàng xuất khẩu vào tháng 4.2021.
 
Trong khi đó, tình hình phân phối, bán lẻ hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị đã dần đi vào ổn định, lượng hàng tồn kho do dự trữ quá nhu cầu mua sắm trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu cũng đang bắt đầu được giải phóng dần. Thị trường hàng hóa, nhất là mặt hàng rau xanh sau đợt giảm giá sâu đã tăng trở lại. Ngoài ra, công nhân các nhà máy, xí nghiệp đã đi làm rất đông, lượng hàng thiết yếu, thực phẩm cung ứng cho các bếp ăn tập thể tăng mạnh. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng, hoạt động du lịch bắt đầu nhộn nhịp, kéo theo dịch vụ ăn uống, vận tải khởi sắc.
 
Kịch bản tăng trưởng mới
 
Năm 2021 là thời điểm kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Công thương Việt Nam, nên việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đã được lên kịch bản từ trung ương đến địa phương. Mở đầu là Hội chợ Công thương Quảng Ngãi được tổ chức vào tháng 4.2021. Mục đích là triển khai cụ thể chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021 tại tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là hoạt động mở đầu cho sự tăng trưởng thương mại trở lại, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại trong vùng, mở rộng hợp tác giữa các địa phương trên cả nước. Quy mô hội chợ lên đến 250 gian hàng, tổng kinh phí tổ chức 1,6 tỷ đồng (ngân sách 50%, nguồn xã hội hóa 50%).
 
Đây cũng là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, phối hợp liên kết trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại thị trường nội địa, kết nối giao thương đến hệ thống phân phối trên toàn quốc, thu hút các đối tác quan tâm hợp tác đầu tư tại Quảng Ngãi.
 
"Muốn nhanh chóng khôi phục ngành thương mại, phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng, mở rộng giao thương. Sở Công thương sẽ cải tiến cách thức hỗ trợ kết nối để thực sự mang lại hiệu quả cho các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm", Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.