Chú trọng chất lượng dự án khi thu hút đầu tư

08:01, 19/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi đã trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức bởi tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) “tại chỗ”, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.
[links()]
Nỗ lực xúc tiến đầu tư 
 
Giám đốc Trung tâm XTĐT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Thạnh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động XTĐT vào tỉnh năm 2020 gặp nhiều khó khăn. Số lượng các nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư giảm mạnh. Tỉnh không triển khai tổ chức các chương trình XTĐT tại nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể đến Quảng Ngãi để tìm hiểu cơ hội đầu tư, do cách ly xã hội và hạn chế đi lại. Hoạt động XTĐT chủ yếu tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp (DN) để hoàn thành thủ tục và triển khai dự án (DA) trên địa bàn tỉnh.
 
Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư các dự án về cảng biển, hệ thống logistics.
Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư các dự án về cảng biển, hệ thống logistics.
Trong năm qua, Quảng Ngãi đã làm việc, hỗ trợ và đón tiếp một số đoàn DN, nhà đầu tư đến khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư. Qua đó, hướng dẫn thủ tục một số DA như: Khu Du lịch nghỉ dưỡng Thạch Bích của Công ty CP Tập đoàn T&T; Khu Thương mại - dịch vụ và trưng bày sản phẩm thép Nam Kim (Công ty TNHH MTV Nam Kim Organic Farm); Trung tâm Dịch vụ đăng kiểm và sát hạch lái xe Đất Quảng kết hợp đầu tư hệ thống chuỗi thương mại dịch vụ (liên doanh Công ty CP Dịch vụ cấp nước Sa Huỳnh và Công ty CP Đầu tư phát triển ARMO); Công viên Nghĩa trang Điền Thuận (Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ môi trường Xanh); một số DA về du lịch và khu đô thị sinh thái của Tập đoàn Vingroup; hỗ trợ thủ tục chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư FDI là Công ty TNHH Gifu Kogyo Việt Nam (Nhật Bản)...
 
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các hoạt động XTĐT tại các hội nghị, hội thảo về đầu tư do bộ, ngành trung ương tổ chức. Tham dự các hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, ứng phó dịch Covid-19; hội nghị trực tuyến về "Hỗ trợ doanh nghiệp SMES tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA"; hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại Hà Nội; hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tiếp và làm việc với Giám đốc Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng...
 
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
 
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021 - 2025). Nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh, trong năm 2021, công tác thu hút đầu tư cần quan tâm đến chất lượng dự án, ưu tiên thu hút các dự án về lĩnh vực công nghiệp (CN) hóa dầu, CN phụ trợ, công nghệ cao, cảng biển, hệ thống logistics, công nghệ sạch, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư "tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư. 
 Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk ở huyện Mộ Đức.
Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk ở huyện Mộ Đức.

 

Một vấn đề đặt ra nữa là, cần tập trung mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để thu hút các dự án đầu tư có quy mô vừa và lớn vào tỉnh. Trong đó, chú trọng thu hút dự án thuộc các ngành CN phụ trợ, có lợi thế so sánh và các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; đảm bảo an sinh xã hội.

Có 676 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực
 
Trong năm 2020, toàn tỉnh đã cấp phép mới cho 4 DA FDI, với tổng vốn đầu tư 64,112 triệu USD, điều chỉnh 10 DA (điều chỉnh tăng vốn 4 DA/41,5 triệu USD); thu hồi 5 DA/9.367 triệu USD. Tổng vốn thực hiện của các DA trong năm ước đạt 250 triệu USD, bằng 97% so với năm 2019. Hiện đã có 35/62 DA đi vào hoạt động, 23 DA đang triển khai và 4 DA đang tạm dừng. Đối với đầu tư trong nước, toàn tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 57 DA, với tổng vốn đăng ký 2.897 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 20.000 tỷ đồng (tương đương năm 2019); trong năm có 15 DA đi vào hoạt động. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 676 DA đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 297.962 tỷ đồng.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 

.