Tập trung bình ổn thị trường

10:11, 21/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bão, lũ xảy ra liên tiếp, kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về công trình, nhà cửa, hoa màu, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Giá cả những mặt hàng liên quan đến nhu cầu khắc phục nhà cửa, sản xuất có những biến động nhất định. Do đó, UBND tỉnh và ngành chức năng đang nỗ lực triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, tạo điều kiện để người dân vùng bão, lũ sớm ổn định cuộc sống.
[links()]
Kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng
 
Sau bão, toàn tỉnh có hơn 140.500 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 600 công trình phải sửa chữa, lợp lại. Do đó, nhu cầu tấm lợp, tôn, ngói, đinh vít... tăng đột biến, nên đã xảy ra tình trạng khan hiếm hàng cục bộ đối với ngói và tấm lợp. Nhu cầu tăng đột biến, các tổng đại lý, đại lý, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh không đủ cung cấp ngay. Đồng thời, sau bão số 9, Quảng Ngãi mất điện trên toàn tỉnh, hầu hết các nhà máy dập, cán tôn không thể hoạt động do mất điện. Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Ngãi ưu tiên tập trung cấp điện cho các nhà máy cán, dập tôn để kịp thời sản xuất cung ứng ra thị trường. 
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng ngói lợp nhà sau bão số 9 tại huyện Mộ Đức.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng ngói lợp nhà sau bão số 9 tại huyện Mộ Đức.
Mặt khác, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương kêu gọi doanh nghiệp (DN) dập, cán tôn ngoài tỉnh lắp đặt các trạm dập, cán tôn di động, sử dụng máy phát điện tại chỗ để kịp thời cung ứng nhu cầu của người dân và thực hiện bán hàng bình ổn mặt hàng tôn, tấm lợp, chia sẻ khó khăn với người dân vùng bão.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều DN như: Công ty CP Sản xuất thép Vina One (Long An); Nhà máy Sản xuất tôn Phú Sơn (Ninh Thuận) đã phối hợp đưa hàng về Quảng Ngãi bán, hỗ trợ về vận chuyển và giảm giá bán. Đến nay, thị trường tôn, ngói, tấm lợp trên địa bàn tỉnh đang dần trở lại bình thường, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
“Sở Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo, tham mưu công tác bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh. Hiện nhiều DN cung ứng hàng thiết yếu đã ký cam kết tiếp tục bình ổn thị trường. Ngành sẽ cương quyết xử lý những hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng tăng giá để trục lợi".
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương NGUYỄN ĐỨC HUY
Chú trọng bình ổn giá giống, phân bón
 
Sau bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn hécta rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Đặc biệt, có hơn 190 nghìn hécta keo bị đổ ngã; trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng do keo còn non, phải tiến hành nhổ bỏ, trồng lại. Hàng chục tấn giống cây trồng các loại bị ngâm nước, không thể sử dụng được; hàng trăm nghìn con gia cầm bị cuốn trôi, bị chết... Vì thế, tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ngãi sau bão số 9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đặc biệt lưu ý phải chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, bình ổn giá bán để giúp người dân có thể khôi phục lại sản xuất, không để vì thiếu giống mà người dân không tái sản xuất được.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cam kết với Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ kinh phí và con giống với số lượng trong khả năng, để giúp nông dân nghèo có điều kiện bắt tay vào sản xuất. Riêng việc cung ứng giống, nếu Quảng Ngãi cần, Bộ sẽ chỉ đạo các DN uy tín cung ứng để kịp thời đáp ứng yêu cầu mùa vụ.
 
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện tình hình các mặt hàng giống cây trồng, vật nuôi vẫn tương đối ổn định, giá cả biến động không nhiều và lượng hàng trên thị trường đảm bảo đáp ứng nhu cầu, chưa xảy ra khan hiếm. Tuy nhiên, trong những ngày tới, khi chính thức bước vào vụ sản xuất đông xuân, khả năng thiếu hụt nguồn giống và tăng giá có thể xảy ra.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 
 

.