Cơ hội phát triển du lịch biển, đảo

02:11, 30/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm đến là đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
[links()]
Đây chính là tiền đề, cơ hội để thu hút các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đến với Quảng Ngãi đầu tư, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm đến.
 
Tiềm năng, thế mạnh còn “ẩn mình”
 
Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây; có đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gần sân bay Chu Lai, cảng nước sâu Dung Quất và sắp đến là tuyến đường ven biển nối liền các tỉnh miền Trung. Còn về cảnh quan, Quảng Ngãi có địa hình đa dạng với đầy đủ đặc điểm của vùng núi, trung du, đồng bằng ven biển, hải đảo. Từ xưa, Quảng Ngãi đã nổi tiếng với “Cẩm Thành thập nhị cảnh”.  
Một góc đảo Bé - Lý Sơn.
Một góc đảo Bé - Lý Sơn.
Ở vùng núi phía tây Quảng Ngãi, thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh những thắng cảnh đẹp như Thác Trắng (Minh Long), suối Chí (Nghĩa Hành), suối Trà Bói, núi Cà Đam (Trà Bồng)... Đồng bằng thì có suối nước nóng Nghĩa Thuận, Mộ Đức. Bên cạnh đó, với truyền thống hào hùng, theo dòng chảy lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã tạo nên nhiều di tích lịch sử như: Khu chứng tích Sơn Mỹ; Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Khu di tích Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ; Đền thờ Trương Định; Bệnh xá Đặng Thùy Trâm...
 
Đặc biệt, Quảng Ngãi có hơn 130km bờ biển trong xanh, sạch đẹp, với nhiều bãi biển nổi tiếng như Khe Hai, Mỹ Khê, Đức Minh, Sa Huỳnh. Vùng biển trải rộng trên 11.000km2, ngoài khơi có đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ. Tất cả những địa danh nói trên cho thấy tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch Quảng Ngãi, nhất là du lịch biển, đảo.
 
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mặc dù tỉnh có chủ trương tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhưng đến nay ngành du lịch của tỉnh vẫn chưa thể bứt phá. Nhiều cảnh đẹp, di tích lịch sử ở miền núi, đồng bằng trên địa bàn tỉnh chưa được phát huy. Sự kết nối các tour, tuyến du lịch vẫn còn rời rạc; du lịch Quảng Ngãi chưa có một điểm nhấn cụ thể, rõ ràng để làm đầu tàu “kéo” ngành du lịch của tỉnh đi lên một cách mạnh mẽ.
“Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội về du lịch, có thể khẳng định Lý Sơn là hạt nhân lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh”.
 
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn NGUYỄN VIÊT VY
Ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch trong 5 năm đến là: “Tích cực thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu, điểm du lịch quy mô lớn, hiện đại. Tạo điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả các khu, điểm du lịch đã được đầu tư. Phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Trường Lũy Quảng Ngãi, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở núi Cà Đam, gành Yến, suối nước nóng Thạch Bích...”. 
Du khách tham quan đảo Bé - Lý Sơn.                       Ảnh: P.DANH
Du khách tham quan đảo Bé - Lý Sơn. Ảnh: P.DANH
Lý Sơn với bao thế hệ người hướng về phía biển, nhắc đến hòn đảo này lại vọng bóng tiền nhân, những trai tráng tuân mệnh triều đình giong thuyền mở cõi Hoàng Sa, Trường Sa. Tinh thần yêu nước, yêu biển của người Lý Sơn được kết tinh qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tiếp nối quá khứ hào hùng, ngày nay Lý Sơn vẫn giữ vị thế đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Không những thế, du khách đến với Lý Sơn trong những năm qua bởi sức hút đặc biệt từ “tài nguyên” du lịch của huyện đảo. Toàn huyện có 7 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh như đình làng An Hải, An Vĩnh; mộ gió Âm Linh Tự. 
 
Bên cạnh đó là các thắng cảnh có giá trị địa mạo, địa chất độc đáo hình thành từ sự phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm như hang Câu; hòn Đụn; chùa Hang; cổng Tò Vò; giếng Tiền. Ngoài ra, Lý Sơn có hệ sinh thái biển đa dạng, đặc sắc với nhiều rạn san hô đẹp nguyên sơ tự nhiên. Bởi vậy, Lý Sơn được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn nằm trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
 
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Hiện nay, hạ tầng du lịch của Lý Sơn đang từng bước hoàn thiện theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ là trung tâm của sự phát triển. Toàn huyện hiện có 133 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay cho du khách lựa chọn. Khoảng cách đất liền với Lý Sơn cũng đã rút ngắn chỉ còn 40 phút bởi những đội tàu siêu tốc. Nhiều sự kiện lớn tổ chức ở Lý Sơn như Giải dù lượn quốc tế; Giải Marathon Báo Tiền phong vừa qua đã góp phần làm cho Lý Sơn thêm phần sinh động. 
 
Trên bản đồ du lịch hiện nay, Lý Sơn đã có tên trong nhiều hành trình của du khách trong và ngoài nước. Du lịch, dịch vụ đã trở thành kinh tế chủ đạo của huyện đảo, đóng góp hơn 50% GRDP của huyện.
 
PHẠM DANH
 
 
 

.